Vô Tình Vật - Kim Thập Tứ Thoa

Chương 35

Chuyển ngữ: Bowr

Biên tập: Trần
Sùng Trinh Đế vốn vẫn còn đôi phần nể mặt tiên đế, kiêng kỵ đám tay sai Ngụy đảng đông nghìn nghịt trong triều, bèn nghĩ cách đuổi Ngụy Trung Hiền đi trông coi hoàng lăng cho xong chuyện. Chẳng ngờ, trinh thám báo lại, lúc rời kinh Cửu thiên tuế này đã mang theo hàng ngàn thân binh cùng hàng chục xe ngựa, vừa ra khỏi cổng thành đã lập tức quay đầu xe, không đến Phụng Dương mà lại nhằm hướng Cẩm Châu.

Cẩm Châu là nơi nào? Đó là vị trí hiểm yếu phía tây đất Liêu của Đại Minh, là hàng rào chống giặc. Thuở Nỗ Nhĩ Cáp Xích còn tại thế, quân Hậu Kim đã nhiều bận lăm le dòm ngó. Tháng năm Thiên Thông Hãn Hoàng Thái Cực mang binh đánh vào Ninh Cẩm, kết cục bại trận phải tháo lui. Nào hay, đến tháng mười một lại kéo quân trở lại xâm lược. Vào thời điểm đó, Đại Bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái đã đánh chiếm liên tiếp mấy thành trì, đang cắm quân ở bên ngoài thành Cẩm Châu.

Cẩm Châu, Ninh Viễn, Sơn Hải Quan, ba thành đồng lòng thống nhất cùng xây dựng tuyến phòng thủ – cũng là cửa ải cuối cùng để Hậu Kim giành lấy Trung Nguyên.

Một khi Sơn Hải Quan thất thủ, biên cương vạn dặm ắt đều chôn vùi dưới gót sắt của quân Hậu Kim, từ rày chẳng còn nơi nương, chẳng còn chỗ dựa.

Quả đúng như Khấu Biên Thành dự liệu, lúc Ngụy đảng còn đắc chí thì ngang ngược hoành hành, hiển nhiên đã đắc tội không ít người. Chẳng mấy chốc, tấu sớ kết tội Cửu thiên tuế và Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ đã lũ lượt dâng lên, lời lẽ hùng hồn, rành là phải ép hai kẻ Ngụy Diệp vào chỗ chết mới thôi.

Hành động này của Ngụy Trung Hiền chẳng những kháng chỉ, mà rõ ràng là còn có lòng theo giặc. Kim bài miễn tử cũng không cứu nổi tội mưu phản lớn bực này. Sùng Trinh Đế nổi trận lôi đình, hạ chiếu chỉ lệnh cho Cẩm Y Vệ dựng cờ vác giáo rời thành tiêu diệt.

Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ là chức quan tam phẩm không lớn không nhỏ, nhưng Diệp Thiên Lang lại được liệt vào hàng “Ngũ Hổ” của Ngụy đảng, Sùng Trinh Đế tất không thể để hắn dễ dàng rời đi.

Tuy nhổ được cái đinh trong mắt ra thì thực thống khoái, nhưng những quan kỳ hiệu úy kia dẫu gì cũng ít nhiều giao hảo với vị Diệp đại nhân này, liệu có thể cầm cân nảy mực, không nể tình riêng mà bắt người về hay chăng, quả thực là khó lòng tin tưởng.

Sau cùng Trấn Tây tướng quân chủ động xin đi bắt người, long nhan Sùng Trinh Đế mới có vẻ hòa hoãn, lại hạ chỉ tuyên bố chỉ cần lấy được đầu hai kẻ nọ, tất có thưởng.

Lại nói bên phía Ngụy Trung Hiền, dẫu đã thu xếp hối lộ, của cải phân tán, ấy vậy mà dọc đường vẫn không ngừng bị truy sát, ác chiến liên miên. Đến khi gần tới bờ sông Đại Lăng – là nơi đã giao hẹn với Mãng Cổ Nhĩ Thái, bọn họ mới phát giác, lúc rời đi, bên người có hơn nghìn tên thị vệ, người chết, kẻ bỏ trốn, kẻ lại đầu hàng, nay chỉ còn sót lại vài ba chục tướng què binh quặt, đồng hành cùng tên hoạn quan vừa thất thế vừa mang tội là lão, chẳng rõ là trung thành hay ngu ngốc.

Những năm ở trên đỉnh cao quyền lực, tay cầm bút son “phê đỏ”, Ngụy Trung Hiền thu nhận không ít con nuôi cháu nuôi. Với Diệp đại nhân đã mấy bận đổi chủ, lão quả thực dè chừng, phòng bị nhiều hơn tín nhiệm, chỉ coi hắn như một công cụ giết chóc đẹp đẽ dễ sai bảo. Nhưng chuyến này, lão mới nhận ra, công cụ giết chóc ấy nào chỉ dễ sai bảo, còn sắc bén phi phàm, chẳng gì cản nổi. Vung tay chém xuống liền biến nhân gian thành địa ngục, phòng mắt mà trông chỉ thấy máu chảy thành sông, thây chất thành núi.

Trải qua chặng đường cạn kiệt tiền tài lẫn lương thực, liều chết giành mạng, mấy độ thoát thân ngay trước Quỷ Môn Quan, Cửu thiên tuế ăn trên ngồi trốc thuở xưa trông đã chẳng ra người ngợm, thoạt như già đi cả chục tuổi. Ngụy Trung Hiền nâng tay áo lau mồ hôi trộn với bùn đất trên mặt, mệt mỏi nở nụ cười với Diệp Thiên Lang bên cạnh, nói: “Ta thật không ngờ, người cuối cùng còn ở lại bên ta, lại là con.”

Đừng nói Ngụy Trung Hiền không ngờ tới, đến cả bản thân Diệp Thiên Lang cũng chẳng tưởng tượng nổi, càng không ngờ được suốt cả chặng đường, Khấu Biên Thành vẫn chưa hề lộ diện. Theo lý mà nói, với thói giặc cướp “chỉ ta có thể phụ thiên hạ” của gã, đáng ra không nên, cũng không đời nào dễ dàng bỏ qua mới phải.

Giờ không phải lúc để buồn thương ta thán, mấy hôm trước mới mở đường máu thoát khỏi một trận bao vây, tuy lại đẩy lùi được thêm một toán quân Minh không sợ chết, nhưng trên người mình cũng đã chất chồng thương tích. Diệp Thiên Lang định lấy thuốc trị thương thoa lên, lại phát hiện chỗ hõm vai bị một mũi tên gãy chẳng biết găm vào từ khi nào. Đầu mũi tên bằng kim loại rõ ràng có tẩm độc. Lúc này, thịt đã thối rữa đến tận xương, chỗ vết thương có màu đen tím rất quỷ dị.

Hắn lấy một ít nước sông rửa sạch miệng vết thương, rồi đưa túi đựng đầy nước cho Ngụy Trung Hiền, nói: “Mời Xưởng công dùng nước.”

Ngụy Trung Hiền ngửa mặt nốc mấy hớp, chợt thấy vị tanh ngọt là lạ lan khắp miệng. Đổ một ít nước trong túi xuống đất, thấy đất vàng đang yên lành thoắt cái đã loang lổ rỉ sét, lão rất đỗi kinh hãi: “Tiểu Diệp, cớ sao nước này trông thì đỏ mà nếm thì lại tanh như vậy?”

“Không đầu sinh thời làm nô dịch, khi chết đầu có cũng như không.[1]” Diệp Thiên Lang hỏi mượn thị vệ đi cùng lấy mũi dao găm cùng một túi rượu, sau khi đổ một ít rượu lên lưỡi dao, bèn tự mình động thủ khoét mũi tên cắm sâu vào bả vai ra, “Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích phát động tấn công phía đông đất Liêu, quân binh Bát Kỳ đánh chiếm tới đâu tàn sát tới đó, khiến dân Hán ở phía đông đất Liêu thây chất cao như núi, máu nhuộm đỏ sông Lăng.”

“Ta sớm đã phái người đi thương lượng đâu vào đó rồi.” Ngụy Trung Hiền nào màng đến sống chết của bách tính đất Liêu, chỉ chăm chăm lo giữ cái đầu già cỗi cứng còng của mình, “Đại Bối lặc Hậu Kim – Mãng Cổ Nhĩ Thái sẽ đích thân dẫn quân nghênh đón. Chỉ cần vinh hoa phú quý của ta còn đó, chắc chắn sẽ có ngày con được ngẩng cao đầu.”

Diệp Thiên Lang hít một hơi thật sâu, khoét sạch phần da thịt hoại tử xuống, rút mũi tên gãy đầm đìa máu ra, ném sang một bên, lắc đầu: “Thuộc hạ không hề có ý nghĩ sẽ đầu hàng Hậu Kim”.

Ngụy Trung Hiền hồ nghi: “Không đầu hàng Hậu Kim? Vậy cớ gì con còn liều chết bảo vệ ta đi đến tận đây?”

“Ta và Xưởng công chẳng qua đều chỉ nhắm đến thứ mình cần. Để diệt trừ Ngụy đảng, Sùng Trinh Đế không tiếc huy động tinh binh quân đội, lại còn treo thưởng tróc nã…”, “Roẹt” một tiếng, xiêm áo bị xé mảnh, hắn dùng răng cắn chặt một đầu vải, quấn từng vòng lên miệng vết thương, “Lưới trời lồng lộng… Nếu không có Xưởng công thu xếp lót đường cùng hàng ngàn binh lính đồng hành, một mình ta cũng chưa chắc đã đi được tới đây.”

Tai vạ đè đầu vẫn giữ được lòng dạ tinh tế ung dung như vậy, Ngụy Trung Hiền không khỏi thầm cảm thán lúc trước lão quả thực đã không nhìn sai người, đoạn bèn hỏi: “Tiểu Diệp này, về sau con có dự tính gì không?”

Dẫu hắn đã xử lý qua loa vết thương nhưng máu đen từ hõm vai vẫn tuôn ra không ngớt, chốc lát đã thấm đẫm nửa kiện áo. Nhiều ngày liên tục giao tranh kịch liệt đã bào mòn sức lực đáng kể, sắc môi Diệp Thiên Lang tím tái, mặt mày trông lại càng xác xơ, hồi lâu mới mấp máy môi: “Rời biên quan…”

Gần vào giờ Dậu, cảnh trời tranh tối tranh sáng, tử khí nặng nề. Đón lấy ánh dương đang dần tàn lụi, hắn khép mắt lại, khuôn mặt chẳng còn vẻ lạnh lùng xa cách ngàn dặm như xưa, chỉ còn đượm đầy nét bải hoải.

“Mong sao… sống đời an ổn vậy.”

Không đầu hàng Hậu Kim, cũng không hẳn là bởi chút đại nghĩa dân tộc trong lòng quấy phá, thực chất chỉ là vui nỗi chẳng trái với lòng, vui nỗi hành động tùy hứng mà thôi.

Bất kể là Hoàng Thái Cực xâm lược hay Khấu Biên Thành đăng cơ, nơi biên ải đều chẳng thể an ổn được nữa.

Nửa đời hắn dốc sức vào tranh đoạt mưu toan, chẳng qua đều vì gửi gắm vọng tưởng hão huyền vào hai chữ “an ổn”.

Sang ngày hôm sau, cuối cùng bọn họ cũng đến được bờ sông Kiểm thuộc nhánh sông Lăng. Ngẩng nhìn lên, vòm trời như được gột rửa, nhưng xung quanh lại vắng ngắt không một bóng người. Ngoại trừ đôi lúc có bóng chim nhạn vụt ngang khoảng không thì nơi này thực sự tĩnh lặng đến kỳ quái.

Khi vừa biết đây là nơi Mãng Cổ Nhĩ Thái hẹn gặp, Ngụy Trung Hiền còn bảo chốn này không phải điềm may. Vào năm Thiên Khải thứ hai, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dấy binh tấn công Quảng Ninh[2], tướng lĩnh do Cửu thiên tuế bổ nhiệm không đánh mà chạy, mặc cho hàng vạn binh lính Đại Minh tự mình ra trận, liều chết giao tranh cùng với quân Hậu Kim ngay tại nơi này, mãi cho đến khi đạn dược tên đá cạn kiệt cũng là lúc toàn quân bị diệt.

Cách bờ sông không xa là rừng đá hỗn độn, trên đá phủ màu gỉ sét loang lổ, tựa như vết máu tích tụ nhiều năm chưa khô, lại tựa như những tấm bia đá khắc chữ triện sơn đỏ.

Mỗi lúc gió thổi qua, bia đá đều phát ra âm thanh vô cùng tang tóc. Ngụy Trung Hiền nghe mà sởn gai ốc, nhưng chẳng còn lòng dạ nào nghĩ vẩn vơ. Lão rùng mình dữ dội trong cơn gió buốt, cất giọng the thé: “Đại Bối lặc đang ở đâu?”

Chẳng ngờ mình giở trò gài Sùng Trinh Đế, nay lại gặp phải một cú vấp trí mạng như vậy. Khoảnh khắc lão vừa lên tiếng, đám binh lính mai phục tứ phía lập tức trỗi dậy, tiếng thét rung trời. Chợt thấy vài ánh bạc lập lòe trong bụi cỏ cao, một trận mưa tên dày đặc liền đổ xuống.

Tên là mũi sao băng[3], rơi xuống như mưa trút. Trận trước vừa đáp xuống, trận sau đã nối tiếp, lồng lộng như tấm lưới che trời lấp đất.

Thời khắc sống còn, một tay Diệp Thiên Lang tóm lấy Ngụy Trung Hiền kéo ra sau, tay còn lại vội vã rút trường kiếm, vung lên chặn tên bay đến để thoát thân.

Lui mãi tới mé sông sóng xô cuồn cuộn, tên ngừng rơi, ngoại trừ hai người Ngụy Diệp, còn lại đều nộp mạng dưới mưa tên.

Mặc dù Cửu thiên tuế không bị thương, nhưng có hai mũi tên đã bắn trúng vào người đang bảo vệ lão. Một mũi tên chỉ làm xước nhẹ da thịt trên cánh tay, trong khi mũi tên còn lại trúng ngay đùi, găm hơn ba tấc vào thịt.

Kỳ lạ là trong số những người lính mai phục này có cả người Mãn lẫn người Hán. Diệp Thiên Lang lảo đảo nhưng không ngã. Hắn nhận ra áo giáp, xiêm quây và giáo tua của lính Hậu Kim, cũng nhận ra giáp xích và váy lưới sắt của quân Minh.

Thầm nhủ điều gì đến ắt sẽ phải đến, chấm dứt tại đây cũng tốt.

Dẫn đầu toán lính là một tên cạo trọc nửa đầu tóc tết đuôi sam, tướng tá bệ vệ, mặc áo giáp quét sơn sáng loáng, khác hẳn đám binh lính Hậu Kim tầm thường. Ngụy Trung Hiền vốn đã bị trận mưa tên bất ngờ ập đến dọa bạt vía mà ngã ngồi xuống đất, nhưng nhác thấy kẻ kia, lại lập tức bổ nhào về phía trước, hô lên: “Đại Bối lặc… Ngài đã quên giao ước giữa chúng ta rồi hay sao?”

“Nhớ thì có nhớ.” Mãng Cổ Nhĩ Thái ngẩng đầu cười to ba tiếng, “Có điều con chó già ngươi chẳng thể giữ cửa canh nhà, chẳng thể ra trận giết địch, có sủa vài tiếng cũng đến là chướng tai, ta cần ngươi làm gì?”

Nói đoạn, lại nghiêng qua nói với người đứng cạnh: “Khấu tướng quân, nếu ta đoạt được xá lợi Đại Bảo Pháp Vương, ngươi lấy được đầu hai kẻ này về gạt tên hoàng đế của ngươi, hôm nay ta với ngươi bèn ký kết hiệp ước sông Lăng, ngày sau cùng nhau liên thủ thôn tính giang sơn người Hán, ngươi thấy sao?”

Binh khí trong tay đã gãy nát, xiêm áo nhuốm máu loang lổ, Diệp Thiên Lang vẫn đứng sừng sững, giương mắt nhìn người đứng bên cạnh Mãng Cổ Nhĩ Thái.

Người nọ cũng nhìn hắn không hề chớp mắt.

Gió tây chợt nổi lên, vụn lá cuốn ngập trời.
Hết chương.

Chú thích:

[1] Gốc: Tử giả vô đầu sinh bị lỗ, hữu đầu hoàn dữ vô đầu ngũ. Trích “Hùng Châu Điếm Gia Ca” của văn thư quân Thanh Trần Điện Quế, mô tả sự tàn bạo của quân Thanh trong trận thảm sát Nam Hùng.

[2] Trận chiến Quảng Ninh là một trận giao tranh lớn giữa quân Minh và Hậu Kim vào năm Thiên Khải thứ hai (1622), diễn ra tại Quảng Ninh, nay thuộc thành phố Bắc Trấn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Không phải tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.

[3] Tên sao băng: Là một loại tên không dùng cung bắn mà dùng tay để ném.

Tác giả có lời muốn nói: Chương sau là chương cuối rồi, cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian thưởng thức, cúi đầu! Ngoài ra, còn có ngoại truyện thịt thà thơm ngọt, đừng quên đón đọc nha!
Bạn cần đăng nhập để bình luận