Vô Tình Vật - Kim Thập Tứ Thoa

Chương 30

Chuyển ngữ: Nhiên

Biên tập: Trần
Lại nói, ở hồ Lang Giác, ngoại trừ Khấu Biên Thành ra, đến cả Thiện Tiểu Hổ cũng không biết còn có lối ra khỏi thung lũng thứ hai.

Con đường thứ hai chính là con đường thủy tìm đường sống trong cõi chết ấy.

Một gã đàn ông đã mang trong mình chí làm vua, nhất định lòng phải chứa nỗi đa nghi thường thấy ở bậc đế vương xưa nay. Huống hồ Nhất Đao Liên Thành chỉ dựa vào một người một đao tự mình đánh chiếm nửa đất Tây Bắc, đầu óc tất phải hơn người khác một bậc. Gã lấy danh nghĩa luyện công không cho người ngoài đến gần động nước Yến Uyển, bởi lối thoát thứ hai ra khỏi hồ Lang Giác chính ở trong động nước đó.

Mặc dù gã nhớ rằng đã đưa Diệp Thiên Lang đến động nước để trị thương, rốt cuộc lại vẫn đánh giá thấp sự tinh tế tỉ mỉ của Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ. Thì ra hồ Lang Giác và động nước Yến Uyển thông nhau, có lẽ nước suối nóng này có phần khác thường, qua năm này tháng nọ, những viên đá ngâm trong nước đều phát ra ánh sáng xanh.

Mà những viên đá xanh phát sáng bên bờ hồ Lang Giác rất giống với những viên đá lạ trong động nước.

Có điều người thì có thể lặn ra ngoài, ngựa lại không thể.

Trong động nước Yến Uyển, một đôi mắt đen láy hiện ra từ trong làn nước lấp lánh. Diệp Thiên Lang cuối cùng cũng ngoi lên khỏi mặt nước trước khi kiệt sức, miệng vẫn ngậm xá lợi Đại Bảo Pháp Vương.

Sau một hồi đợi bên ngoài, muộn rồi vẫn chưa thấy Tuyết Phách đến. E rằng con vật này dẫu khôn ngoan đến đâu, cũng khó mà thoát được khỏi vòng vây, có lẽ đã gục xuống dưới đao kiếm phân tranh nơi hồ Lang Giác.

Hiện giờ trên người chẳng còn gì ngoài xá lợi, hắn bèn tiện tay giết một kiếm khách đi ngang, cướp ngựa, tiền bạc và lương thực của kẻ đó.

Khi tới áo dài đai rộng, tiền hô hậu ủng, quả là oai phong vô hạn, dưới một người trên vạn người. Lúc rời đi lại trở thành một kẻ cụt mất một tay, cưỡi một con ngựa già gầy guộc.

Gió mạnh thổi tung tay áo rỗng, Diệp Thiên Lang cưỡi trên lưng ngựa, ngoảnh đầu nhìn vầng tà dương trên sa mạc, hồi tưởng ánh sáng lấp lánh trong động nước Yến Uyển, quyến luyến triền miên. Phảng phất dường chuyện xưa năm nào chẳng nhớ rõ, lại như thể từng khung cảnh ấy mới là chuyện hôm qua, tất thảy đều đã khắc sâu vào trong xương tủy của hắn.

Người lẫn tâm đều đã thay đổi, nhưng khoảnh sa mạc này mãi chẳng đổi thay, vẫn lác đác vài bóng liễu bách, cát vàng mênh mông.

Đường dài gió bụi lao đao, ngày đêm bôn ba nước rút trở về kinh. Trong ngực áo là bảo vật quý hiếm người người thèm muốn, quá nổi bật lại thành ra dễ thu hút phường trộm cướp. Chỉ một con ngựa già, một bộ xiêm áo đơn sơ, cứ vậy đi xuyên rừng, vậy mà lại rất nhanh.

Chỉ còn cách kinh thành trăm dặm, cả người và ngựa đều đã thấm mệt, bèn tìm một quán rượu nghỉ ngơi chốc lát.

Đầu tiên gọi lấy một vò rượu mạnh, tự rót cho mình đầy bát, còn chưa kịp đưa đến miệng, đã nghe thấy tiếng chuông từ xa vọng lại.

Tiếng chuông đó rõ ràng vang tới từ nơi xa, nhưng vẫn lũ lượt truyền vào tai. Dẫu sanh tiêu cùng xướng, chuông khánh cùng vang, cũng chẳng có được âm hưởng nhường này.

Diệp Thiên Lang khẽ cau mày, đáy lòng âm ỉ nỗi bất an, liền hỏi khách uống rượu bên cạnh: “Ta hỏi nhà ngươi, đây là tiếng gì?”

Khách uống rượu thấy người này mất một cánh tay, mặt mày lãnh đạm, không dám không đáp: “Thiên Khải đế đã quy tiên rồi! Đây hẳn là tiếng lễ nhạc của vị hoàng đế mới lên ngôi!”

Lời này quả thực có phần con tạo khéo trêu ngươi. Cũng nhờ Diệp Chỉ huy sứ trước nay chẳng phải kẻ có thói oán trời trách đất, chỉ trầm mặc một chốc, rồi nốc hết rượu trong bát, đứng dậy rời đi.

Có lẽ bởi niềm vui khi tân hoàng lên ngôi chưa dứt, trong Tử Cấm Thành hơn nghìn người qua lại, tiểu thương đầy tớ, muôn hình muôn vẻ.

Diệp Thiên Lang đi tiếp một trăm dặm nữa, qua cửa Huyền Vũ, dọc phố Trường An, thẳng tới quan nha của Bắc Trấn phủ ty[1].

Người ngoài nói rằng Cẩm Y Vệ là kiệu lọng vua chúa, là Tu La chốn trần gian, ấy thế mà tòa Bắc Trấn phủ ty này lại chẳng hề có khí phách bễ nghễ châu báu lấp lánh, cũng không có vẻ âm u quỷ quái như âm tào địa phủ. Có điều kết cấu cũng có mấy phần hũng vĩ, thoạt trông chẳng khác những dinh thự có tiếng trong kinh là bao.

Ghìm cương thắng gấp, Diệp Thiên Lang xoay người xuống ngựa, chưa được vài bước, con ngựa già sau lưng rướn cổ hí vang, rồi ngã gục xuống đất.

Cả chặng đường liều mạng giục vó, bên mình ngoại trừ gió Tây chỉ còn bóng ngựa gầy. Diệp Thiên Lang lẳng lặng nhìn con ngựa già đang thoi thóp một hồi, ném một thỏi bạc cho tên lính gác cổng nha môn, dặn dò: “Chôn cất cẩn thận.”

Cũng chẳng cần nhiều lời chào hỏi thêm, hắn tự ý bước vào cổng lớn sơn son. Vài tên lính gác thấy hắn xuất hiện, tên nào tên nấy đều như thấy ma giữa ban ngày, vừa thất kinh vừa khiếp hãi, chẳng cản hắn, cũng nào dám cản, chỉ đành đuổi theo sau, cùng hắn bước vào công đường.

Ngoài Thái sư Ngụy Lương Khanh và vị Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ mới nhậm chức, vẫn còn hơn mười người khác trong công đường. Mấy tên Thiêm sự[2], Trấn phủ có máu mặt đều tụ hội cả, rành là đang thương lượng chuyện quan trọng.

“Diệp Thiên Lang?”

Ngụy Thái sư lòng dạ hẹp hòi, mắt lại tinh, là người đầu tiên nhìn thấy vị Diệp đại nhân chết rồi hồi sinh này, kinh ngạc như thấy quỷ.

“Không phải ngươi đã chết rồi sao?” Gã lập tức kêu lên the thé, tuy không phải thái giám, nhưng tác phong cử chỉ lại hệt như Cửu thiên tuế ở điện Thái Cực, “Ngươi không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn còn mặt mũi để quay về? Ván đã đóng thuyền, tân đế đã lên ngôi rồi!”

Coi đối phương như không khí, Diệp Thiên Lang chẳng nói chẳng rằng, cũng không hề dừng bước, cứ thế đi thẳng về phía trước.

Ngụy Thái sư hiếm có cơ hội để chỉ trích địch cũ, vẻ khấp khởi chưa dứt, tiến vài bước đến trước mặt Diệp Thiên Lang, duỗi tay săm soi ống tay áo bên phải đung đưa của hắn. Quả nhiên là đứt mất một cánh tay. Khuôn mặt gã không giấu được vẻ hào hứng xen lẫn khinh miệt, vừa choe chóe cất giọng vừa chọc chọc chỉ chỉ: “Nuôi chó thế nào còn tùy thuộc ý chủ. Một con chó què còn chạy trở về vẫy đuôi xin xỏ, thức thời thì tự cút đi…”

Lực tay đối phương có phần hung tàn, chọc trĩu vai trái hắn. Diệp Thiên Lang chẳng hề tức giận, chỉ thấy những lời ngoa ngoắt văng vẳng bên tai quá ồn ào. Chân mày nhíu chặt lại, chẳng đợi cho gã nói xong đã vung tay tung một chưởng. Võ công của Ngụy Lương Khanh vốn không hề yếu kém, thấy lực gió hướng thẳng vào mặt mình thì lập tức né sang một bên. Chẳng ngờ bàn tay trước mắt đột ngột loáng qua, đón ảo đánh thật, chiêu “Sương Tỏa Mây Vùi” nện ngay vào má phải của gã.

Chưởng này mặc dù chỉ âm thầm dùng ba phần lực, nhưng đã tát một cái thật vang vào mặt Ngụy Lương Khanh ngay trước mặt mọi người. Cú tát đó khiến màng nhĩ của gã ong ong như nứt, còn định mở miệng chửi rủa gì đó, nhưng vửa mở miệng thì nước bọt và máu đã thi nhau ứa ra. Sợ răng lợi khắp miệng lung lay cũng sẽ rớt xuống, gã vội im miệng, không nói gì nữa.

Chỉ một cái tát đã tước đi oai phong của Ngụy Thái sư, mí mắt Diệp Thiên Lang hơi nhướng lên, thấy có kẻ khác đang ngồi ở vị trí vốn thuộc về hắn.

Người này họ Điền, là tâm phúc của Ngụy Lương Khanh, là kẻ mọi người đều cho rằng sẽ được bổ nhiệm coi quản Cẩm Y Vệ sau khi Diệp Thiên Lang bỏ mạng ở Tây Bắc.

Kẻ nọ vận áo bào Phi Ngư màu trà đạm hoa mỹ cầu kỳ, uy nghi hơn người, nhưng dẫu diện vóc rồng cũng chẳng ra dáng con vua, tướng đầu hoẵng mắt chuột, đần độn khó tả, hiển nhiên chỉ là bù nhìn ra oai.

Mặt Diệp Thiên Lang sa sầm, thoạt trông chẳng có chút hơi thở của sự sống, cứ chỉ bước từng bước đến vị trí chủ tọa trong công đường, trầm ổn kiên định, như thể từ trong bóng tối hướng đến ánh bình minh ló rạng.

Họ Điền vốn cũng là quan chức trong kinh, không lý nào chưa từng gặp vị Chỉ huy sứ đại nhân này, nhưng hiện giờ Diệp Thiên Lang ăn vận rách rưới, mặt lấm bụi sương, khác xa vẻ lộng lẫy cao quý không giống người phàm thuở xưa, nhất thời không nhận ra “Thái Sơn” trước mắt, trơ mắt hỏi: “Ngươi là ai…”

Diệp Thiên Lang chắng đáp một chữ, đuôi mắt hẹp dài đen láy khẽ nhướng, tay trái đột ngột giương lên, ra tay vừa nhanh vừa ngoan độc, chẳng phải vì chộp lấy thời cơ tấn công trước, chỉ để lập tức lấy mạng kẻ địch. Nếu chiêu “Sương Tỏa Mây Vùi” vừa rồi hãy còn nể mặt Cửu thiên tuế, thì chiêu “Từ Hàng Phổ Độ” lúc này lại chẳng còn cớ gì để nương tay.

Chỉ nghe một tiếng “răng rắc” giòn tan, tiếc cho họ Điền chỉ vừa mới nhậm chức, còn chưa kịp ngồi ấm vị trí ăn trên ngồi trốc này, đã bị người ta vặn gãy cổ.

Nhân lúc đối phương còn chưa ngã xuống, thi thể còn chưa lạnh, hắn liên tiếp tung ba chiêu, ngọn gió xoay thi thể một vòng trên đất, hãy còn chưa xoay hết một vòng, quan phục màu trà đạm đã bị lột xuống.

Hắn nhấc tay, choàng áo qua vai. Hoa văn trên áo bào đối diện với đám đông, mình trăn đuôi vảy, như cá lại chẳng phải cá, uy phong lẫm liệt.

Vốn tưởng rằng cục diện một núi hai hổ ắt phải nhốn nháo một trận, chẳng ngờ nội trong thời gian một tách trà đã định đoạt êm xuôi. Trấn phủ, Thiêm sự Cẩm Y Vệ trên công đường cũng đã quen thói tát nước theo mưa, gió chiều nào xoay chiều ấy ở chốn quan trường, giờ thấy mọi sự đã rồi, lập tức rối rít quỳ xuống, nhất tề hành lễ: “Thuộc hạ bái kiến đại nhân!”

Diệp Thiên Lang khẽ ngẩng mặt lên đón nắng, rồi nhắm mắt lại, cũng chẳng hay là chặng đường bôn ba mệt nhọc, hay chỉ đơn giản là tận hưởng vinh hoa vẻ vang mà tấm áo quan này mang lại.

Ngày Đinh Tị tháng tám[3] năm Thiên Khải thứ bảy, Tín vương Chu Do Kiểm lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Sùng Trinh.
Hết chương.

Chú thích:

[1] Bắc Trấn phủ ty: Cơ quan trực thuộc Cẩm Y Vệ được lập ra bởi Chu Nguyên Chương dưới thời Minh, chia thành Nam – Bắc Trấn phủ ty. Nam trấn phủ ty phụ trách hình pháp trong nội bộ Vệ, Bắc trấn phủ ty chưởng quản tù chính trị, trực tiếp hành động theo khẩu dụ Hoàng đế, không qua trình tự Tam pháp ti (Hình bộ, Đại lý tự, Đô sát viện).

[2] Thiêm sự: Một chức quan văn cũng gần như thượng thư

[3] Ngày Đinh Tị tháng tám là ngày 30 tháng 8

Trần có đôi lời lảm nhảm: Đếm ngược 6 chương nữa là hoàn chính truyện rồi >v<~
Bạn cần đăng nhập để bình luận