Thiên Địa Nghịch Lữ - Xuân Nhật Phụ Huyên

Chương 57: Tượng vàng hiến tế

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mỗi năm Địch tộc có ba lần hiến tế lớn, trong số đó kỳ hiến tế vào tháng năm là long trọng nhất. Các bộ dưới trướng tụ họp ở Vương đình lập đàn hiến tế tượng vàng trên đài cao, cúng bái tổ tiên, trời đất và quỷ thần, kèn trống đồng thanh, đàn nhạc réo rắt.

Năm nay hiến tế còn hoành tráng hơn mọi năm nên mọi việc phải chuẩn bị từ sớm. Bởi vì từ đầu xuân tới nay quân Địch hạ liên tiếp hai thành Sóc Châu Đại Đồng, các thành nhỏ quanh đó càng không đủ sức chống cự. Cư Dung Quan gần ngay trước mắt, ngày đế vương kỳ trên tường thành đổi chủ đã không còn quá xa.

Nghe nói ở vương đình của người Địch, tượng vàng hiến tế được chế tạo bằng vàng dựa theo hình dạng chân thần Hỏa giáo, kích thước cao bằng người thật sáng lóa như ánh mặt trời. Hiện giờ bọn họ vừa chiếm đóng hai thành của Đại Lương, đương nhiên hai thành này cũng phải lo việc hiến tế quy mô lớn mới đủ thể hiện năng lực cải thiên hoán nhật của người Địch.

Sáng sớm ngày hai mươi tám tháng tư đã có rất nhiều xe chở hàng tiến vào thành Sóc Châu. Chiếc xe đi đầu do hai con lạc đà trắng kéo, món hàng trên xe kích thước không nhỏ, được che vải kỹ càng theo lý mà nói không thể nhìn ra là vật gì, thế nhưng toàn bộ người Địch đứng hai bên đường đón chào nhiệt liệt đều biết đó chính là tượng vàng dùng cho lễ hiến tế, ai nấy khoa tay múa chân hoan hô nhảy nhót vang trời.

Người bước ra nghênh đón hàng đầu chính là Hộc Luật Hằng Già, gã ăn mặc long trọng, từ trên ngựa bước xuống cao giọng tạ ơn thánh thần giáng thế phù hộ, tạ ơn Địch Vương ban ân.

Không chờ được đến lúc toàn bộ hàng hóa nhập kho, Hằng Già đã sầm mặt lên ngựa rời đi.

Hiện tại gã đang tạm cư trong phủ đệ của thông phán Sóc Châu, cả nhà thông phán đã sớm thành oan hồn dưới lưỡi đao, đầu của thông phán đại nhân bây giờ còn treo ngoài cổng thành làm mồi cho quạ mổ. Phủ đệ của lão ta hết sức xa hoa phù phiếm, Hằng Già rất thích. Khác với những người Địch luôn chê bai nhà người Hán không đủ tiện nghi cũng không thoải mái như lều trướng, gã rất thích kiến trúc nhà ở của người Hán, càng thích những thứ bài trí tinh xảo vàng son lộng lẫy bên trong hơn.

Hằng Già đi thẳng một đường vào đại sảnh, trong phủ đệ cơ bản không có người, chỉ có vài nô bộc người Hán luôn nơm nớp lo sợ tránh tới tránh lui.

Xuyên qua khung cửa sổ đại sảnh, Hằng Già trông thấy Tạ Yến Hồng đang “múa kiếm” trong đình viện. Kia thật sự không tính là múa kiếm, vì Hằng Già sẽ không cho phép y mang theo bất cứ món vũ khí sắc bén nào, Tạ Yến Hồng chỉ tùy tay bẻ một nhánh cây dài cỡ cánh tay xuống múa may cho thỏa. Cành cây vung lên tạo ra tiếng gió rào rạt, tuy không phải kiếm nhưng cũng có vài phần kiếm ý.

Đánh xong một bộ kiếm pháp, Tạ Yến Hồng thở hổn hển, người ứa đầy mồ hôi. Y giơ tay lau mặt một phen rồi cắm thẳng nhánh cây xuống đất, để tiện lần tới lại rút lên dùng.

Vừa quay đầu lại, Tạ Yến Hồng bắt gặp ngay Hằng Già mặt mũi sầm sì đang đứng yên một chỗ quan sát.

Ông trời con kia lại làm sao thế? Tạ Yến Hồng nghĩ mà đau đầu.

Y thay quần áo ẩm ướt rồi vòng vào thư phòng. Tạ Yến Hồng cũng ở trong phủ đệ này không ra khỏi cửa, được giao trọng trách dạy tiếng Hán và giảng binh thư cho Hằng Già. Thời điểm y bước vào, Hằng Già đã ngồi trước bàn, chân gác lên bàn bất cần kiêu ngạo, mặt đầy mây đen cứ như khắp thiên hạ này không có thứ gì đủ khiến gã thoải mái.

Tạ Yến Hồng làm như không nhìn thấy mà mở sách trên bàn ra, nói: “Hôm nay chúng ta nói đến ‘quân hình’, kẻ không thể thắng vẫn phải thủ, kẻ thắng rồi vẫn phải công…”

Quyển sách mà y đang giảng giải chính là《 Quân lược 》do phụ thân Tạ Thao chấp bút.

Lúc Hằng Già đưa ra yêu cầu học quyển binh thư này, Tạ Yến Hồng rất ngạc nhiên vì không ngờ đến người Địch cũng nghe tới uy danh của Tạ Thao. nhưng đến khi Tạ Yến Hồng đồng ý giảng《 Quân lược 》thì đến phiên Hằng Già kinh ngạc.

“Dũng sĩ Địch tộc chúng ta bước lên đất của các ngươi, ngươi còn dạy binh pháp của người mình cho ta, không phải là nối giáo cho giặc sao?”

Tạ Yến Hồng trả lời: “Người đọc binh thư có đến ngàn vạn nhưng đâu phải ai cũng là tướng quân. Thứ trong sách dạy là nhân nghĩa, dạy làm người rồi mới dạy đánh võ. Nếu ngươi thật sự có năng lực sau này thống trị hết lãnh thổ quốc gia của triều Lương, vậy thì học thêm chút đạo nhân nghĩa cũng không thừa.”

Tuy Hán ngữ của Hằng Già không tốt nhưng không đến mức nghe không ra ý trào phúng trong lời Tạ Yến Hồng, chỉ là gã bật cười cho qua.

Vậy là Tạ Yến Hồng bắt đầu giảng binh thư, y chỉ giải thích nghĩa trên mặt chữ chứ không nêu ví dụ thực tế, càng không hé một lời về thành trì, binh lực hay võ tướng của triều Lương, cực kỳ đúng mực. Kể từ ngày mới biết chữ, Tạ Thao đã luôn giảng giải về quyển《 Quân lược 》này nên Tạ Yến Hồng có thể nói là đọc thuộc làu làu, lần này nói từ đầu không hiểu sao trong lòng lại lĩnh hội thêm ý mới.

Sơn cùng thủy tận ngờ hết lối, liễu rủ hoa cười lại gặp thôn.

Nếu chỉ xem biểu hiện của Hằng Già trong thư phòng thì gã có thể coi là một học sinh khiêm tốn thông minh. Nhưng hôm nay tâm trạng Hằng Già thật sự không thoải mái, gã vươn người gập cuốn sách của Tạ Yến Hồng kêu bộp một tiếng, sức lớn đến độ làm mặt bàn rung lên.

Đúng lúc này, một nữ tỳ nơm nớp bước vào dâng trà.

Hồi thông phán đại nhân còn sống nàng là nữ tỳ, hiện giờ phủ thông phán đổi chủ nàng vẫn là nữ tỳ. Chỉ là người tên Hộc Luật Hằng Già, mang danh Bắc Địch hữu đại đô úy chủ quản thành Sóc Châu, tuổi tác không lớn nhưng nổi tiếng hung ác, nghe nói ngày đó vết máu vương trên đá xanh lát phố cọ rửa mất một ngày một đêm mới sạch hoàn toàn, đầu của thông phán hiện giờ vẫn còn treo ngoài cổng thành kia kìa.

Hằng Già vỗ sách của Tạ Yến Hồng xong vẫn chưa hết giận, còn đạp thêm một cái vào chân bàn bằng gỗ tử đàn.

Nữ tỳ vốn sợ hãi còn bị tiếng vang thình lình dọa cho kêu lên, suýt nữa hất luôn khay trà trên tay xuống. Tạ Yến Hồng nhanh nhẹn đỡ được, thuận tay đặt hai chén trà lên bàn rồi an ủi nàng: “Không sao.”

Hằng Già lạnh lùng quát: “Cút đi.”

Nữ tỳ mềm chân đứng không nổi, Tạ Yến Hồng lại phải đỡ nàng một phen để nàng lảo đảo đi ra ngoài. Y cụp mắt không nói gì, lại mở quyển sách trước mặt lật đến trang vừa giảng, hít sâu một hơi chuẩn bị giảng tiếp.

Dường như hôm nay Hằng Già cố ý muốn gây sự cho bằng được: “Ngươi thích làm người tốt đến thế cơ à?”

Tạ Yến Hồng ngẩng đầu liếc một cái không nói gì, Hằng Già thấy y không dao động, cơn tức trong lòng không có chỗ phát ra ngoài bèn tiếp tục nói: “Chắc ngươi vốn là quý tộc nhỉ? Hiện giờ biến thành nô lệ, thành tù binh của đám mọi rợ, sinh mạng nằm trong tay ta rồi. Còn cả gã tùy tùng kia nữa, chắc hắn không đơn giản chỉ là tùy tùng đúng không? Hắn còn sống không? Hay đã chết ngoài sa mạc…”

Tạ Yến Hồng nhói lòng, nặng nề khép cuốn sách lại. Trái tim y trong một thời gian dài cứ luôn chìm xuống như thể trong ngực có một cái động không đáy, không biết cuối cùng nó sẽ rơi xuống nơi nào. Y muốn bùng nổ, cũng nên bùng nổ mới phải, nhưng cuối cùng y chỉ hít sâu một hơi, bình thản nói với Hằng Già: “Tiếng Hán của ngươi rất tiến bộ.”

Hằng Già bị thái độ hờ hững của y chọc giận, đột ngột đứng dậy lật ngã ghế ngồi.

Tạ Yến Hồng nhìn gã, bình tĩnh hỏi: “Ngươi đang giận chuyện gì? Nghe nói hôm nay người ta đưa tượng vàng hiến tế vào thành. Sóc Châu có một bức, hẳn là Đại Đồng cũng có một bức nhỉ? Ta lại nghe nói tượng vàng càng lớn càng chứng tỏ buổi hiến tế ở nơi đó rất long trọng. Đừng nói là tượng ở Sóc Châu thua kém Đại Đồng…”

Hiện giờ người đóng quân ở Đại Đồng chính là anh em cùng cha khác mẹ của Hằng Già, Hộc Luật Chân.

Đại Đồng là trọng trấn của Đại Lương ở tây bắc, Sóc Châu chỉ tính là thành nhỏ. Quân Địch đông tiến, mục tiêu kế tiếp là Cư Dung Quan, Đại Đồng cũng là nơi đóng quân thích hợp nhất để lên kế hoạch xâm lược, điều này có nghĩa là Hộc Luật Chân được nghênh ngang đi đằng trước kiến công lập nghiệp, Hằng Già chỉ ở phía sau làm chút chuyện lẻ tẻ không đau không ngứa.

Hiện giờ lại thêm vụ tượng vàng hiến tế, người Địch vốn coi trọng lễ nghi, chẳng trách Hằng Già bị chọc tức đến giậm chân.

Tạ Yến Hồng nói: “Tả vi tôn, ngươi chỉ là hữu đại đô úy, còn Hộc Luật Chân nhận chức gì? Tả đại đô úy sao?”

“Im miệng!” Hằng Già tức đỏ cả mặt, oán hận nói, “Nếu không phải ngươi cứu mạng ta…”

Ngay sau đó gã huyên thuyên một chuỗi tiếng Hồ dài vừa nhanh vừa gấp, Tạ Yến Hồng nghe không hiểu, chỉ thấy đôi mắt Hằng Già như sắp phun lửa, nói một lúc mỏi miệng thì phất tay áo bỏ đi. Tạ Yến Hồng ngồi liệt người trên ghế thở phào một hơi, tay giơ lên nhéo nhéo mũi suy ngẫm xem có phải mình quá mức kích động rồi không, y không nên chọc giận Hộc Luật Hằng Già mới phải.

Mấy ngày liên tiếp sau đó Hằng Già không xuất hiện trước mặt Tạ Yến Hồng nữa, có lẽ là bận rộn chuẩn bị chuyện tế lễ.

Bởi vì nghi lễ tế bái cần rất nhiều súc vật và dụng cụ nên thương nhân người Địch cũng lục tục kéo đến thành Sóc Châu. Các thương nhân theo chân quân đội ngửi được hết thảy cơ hội kiếm tiền, muốn thu nạp cả Sóc Châu và Đại Đồng vừa chiếm được vào bản đồ thương nghiệp của bản thân. Phủ thông phán cũng náo nhiệt lên hẳn vì phải chào đón từng đoàn Hồ cơ tiến vào mang theo cả trang sức nhạc cụ, nói là Hằng Già sắp mở tiệc khoản đãi thương nhân.

Các Hồ cơ có diện mạo không quá giống nhau, cũng không hoàn toàn là phụ nữ người Địch mà còn có nữ tử quân Địch đánh cướp được từ bộ tộc khác, ai nấy đều mỹ lệ động lòng người, xuân lan thu cúc kiểu nào cũng có.

Tạ Yến Hồng liếc một cái liền nhận ra trong số họ có một thiếu nữ người Khương, bởi vì nàng mang theo chiếc khăn trùm đầu thêu vỏ sò trắng muốt như trăng rằm giống hệt với khăn trùm đầu của Ô Lan, đẹp không sao tả xiết. Khuôn mặt nàng cũng xinh đẹp như Ô Lan, tựa như một đóa hoa quỳnh nở rộ dưới ánh trăng nhưng đã bị sương giá kiếm kích tàn phá —— mỹ lệ nhưng quá thê lương.

Đêm hôm đó ngoài sảnh chính vang lên tiếng tiệc tùng náo nhiệt, ăn uống linh đình, còn có cả tiếng đàn Không và sáo trúc. Đàn Không nhẹ nhàng trong trẻo, sáo trúc hồn hậu thâm trầm, là âm thanh nhớ nhà của người Hồ. Tạ Yến Hồng đứng tựa cửa sổ lắng nghe chỉ cảm thấy buồn cười —— Người Địch xâm chiếm nhà của tộc khác, đứng trên mảnh đất thê ly tử tán đổ nát thê lương của người ngoài mà tấu lên tiếng nhạc nhớ nhà. Còn về phần y, rõ ràng đang đứng trên quê hương cố thổ mà lại như tha hương viễn xứ, nỗi nhớ nhung cứ âm ỉ trong lòng kéo dài khôn nguôi.

*Đàn Không – 箜篌



Giữa tiếng nhạc êm tai đột nhiên xuất hiện tiếng nức nở mơ hồ, Tạ Yến Hồng chăm chú nhìn kỹ mới nhận ra thiếu nữ người Khương mình nhìn thấy ban ngày đang ngồi dưới một gốc cây trong vườn, cúi đầu khóc khe khẽ, thân hình nàng run rẩy khiến người đau xót vô cùng.

“Ngươi làm sao thế?” Tạ Yến Hồng dùng thứ Hồ ngữ sứt sẹo của người Khương mà Ô Lan dạy cho, hỏi nàng.

Thiếu nữ hoảng sợ ngẩng đầu nhìn quanh liền nhìn thấy y. Mặt nàng còn vương nước mắt, mở miệng lại nói tiếng Hán cực kỳ lưu loát: “Ngươi là ai? Tại sao lại biết thứ tiếng của chúng ta? Ngươi là người Hán mà.”

Tạ Yến Hồng ngượng ngùng cười: “Ngươi có quen biết Ô Lan không? Ta đã cùng gia đình họ chung sống một khoảng thời gian ngắn…”

Vừa nghe đến cái tên “Ô Lan”, nước mắt nàng lại trào ra, chảy ào ạt trên gương mặt trắng tinh rồi nhỏ thẳng xuống đất bùn.

“Chúng ta là bạn tốt,” Nàng nói, “Từ khi nàng cùng người nhà rời khỏi thảo nguyên, chúng ta không còn gặp lại nhau nữa. Hiện giờ nàng có khỏe không?”

Tạ Yến Hồng đang muốn nói tiếp thì nàng chợt hoảng sợ quay đầu nhìn về phía đại sảnh tổ chức tiệc như một chú chim sợ cành cong. Thiếu nữ vội vàng nói: “Ta phải trở về rồi, tên ta là ‘Đan Mộc’, trong tiếng Khương có nghĩa là ‘đám mây’…”

Lời còn chưa dứt, nàng đã quay đầu chạy về theo lối cũ, cổ chân nàng cũng mang dây lục lạc giống Ô Lan, mỗi bước đi đều vang lên âm thanh thanh thúy, giờ phút này lại giống như xiềng xích trói buộc.

Tạ Yến Hồng nhìn theo bóng dáng nàng rồi thuận thế liếc lên đại sảnh đèn đuốc sáng trưng, yến hội hình như đang đến đoạn náo nhiệt nhất, mọi người sôi nổi đứng dậy kính rượu.Bóng Hồ cơ nhẹ nhàng nhảy múa theo ánh đèn in lên mặt tường, kiều diễm động lòng người.

Khoảng cách không quá gần nên Tạ Yến Hồng chỉ nhìn thấy hình dáng mơ hồ của khách khứa, trong số đó có một người cao lớn đĩnh bạt, so sánh với đám thương nhân bụng phệ xung quanh thì giống hệt như hạc trong bầy gà.

Trong lòng Tạ Yến Hồng nhảy thót một cái, gần như trườn hết nửa người ra khỏi cửa sổ vì không thể tin vào mắt mình.

Đó là Trường Ninh!
Lời tác giả:

Công việc bận quá! Sắp xài hết bản thảo để dành rồi! Khóc lóc!
Bạn cần đăng nhập để bình luận