Thiên Địa Nghịch Lữ - Xuân Nhật Phụ Huyên

Chương 43: Tán tỉnh

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tạ Yến Hồng và Trường Ninh bắt đầu trải qua cuộc sống thường nhật cùng gia đình Ô Lan.

Tạ Yến Hồng vốn cho rằng, nhà Ô Lan tha hương viễn xứ giữa trời đông giá rét, sống tạm bợ trong thôn trang hoang phế này còn phải thời thời khắc khắc đề phòng người Địch tấn công hẳn sẽ thấp thỏm lo âu. Không ngờ người Khương vốn đã cứng cỏi bất khuất từ trong xương cốt, tinh thần luôn rộng mở lạc quan nên khiến Tạ Yến Hồng cũng nhẹ nhõm đi ít nhiều.

Từ sau khi rời khỏi kinh sư, tinh thần Tạ Yến Hồng lúc nào cũng lo lắng hãi hùng, đây có thể nói là lần đầu tiên y buông hết đau khổ ưu phiền trong lòng, thoải mái tận hưởng nhịp sinh hoạt như thế.

Đồ ăn thức uống tuy vẫn phải tiết kiệm nhưng không đến mức chịu đói, bởi vì nhà Ô Lan có chim săn mồi.

Lần đầu nhìn thấy chim ưng Tạ Yến Hồng có hơi sợ hãi, cảm giác sợ này không chỉ xuất phát từ bản năng sợ hãi một sinh vật nguy hiểm, mà càng giống kính sợ hơn. Con ưng kia sải cánh phải dài đến mười thước, bay vòng vòng giữa không trung tưởng như có thể che kín một góc trời.

Ô Lan mặc bộ y phục màu nâu dài rộng, bên ngoài khoác áo lông cừu chắc chắn, cơn gió đêm lạnh lẽo thổi tung khăn trùm đầu của nàng để lộ khuôn mặt mỹ lệ động lòng người. Nàng đeo găng tay da bò dày nặng, đứng giữa đồng tuyết mênh mông vươn cánh tay lên bầu trời. Con hải đông thanh* tên “Ngọc Trảo” lập tức xoay xoay mấy vòng rồi đáp xuống, móng vuốt nó sắc bén như móc câu có thể dễ dàng xé rách da thịt thỏ hoang, cứ thế bấu chặt vào bao tay da, thu cánh đậu trên tay Ô Lan. Bộ lông nó trắng như tuyết, bên trên có vài đốm nâu trông uy mãnh dị thường.

*Hải đông thanh – 海东青



Thiếu nữ mỹ lệ hoang dã cùng thần điểu hung mãnh cường tráng đứng ngạo nghễ giữa đất trời, Tạ Yến Hồng chứng kiến hình ảnh này mà nội tâm chấn động, nhất thời cứng họng không biết nói gì.

Tạ Yến Hồng và Trường Ninh thay bộ áo nâu lông cừu được Ô thị tặng cho, giục ngựa mang theo cung tiễn cùng Ô Lan đi săn.

Phụ thân của Ô Lan biết chút tiếng Hán, sắc mặt tự hào cười vang nói: “Ô Lan chính là một con hải đông thanh trên mặt đất.”

Giữa đồng tuyết trắng gió lạnh gào thét, thỏ hoang chồn hoang cũng thay bộ lông nhạt màu, mắt người thường cơ bản không thể phát hiện tung tích, càng đừng nói là đi săn. Ánh mắt Ngọc Trảo sắc bén, chỉ cần xoay vài vòng trên không trung là dễ dàng phát hiện ra mục tiêu rồi lao xuống, bọn họ liền giục ngựa đuổi theo. Tạ Yến Hồng giỏi cưỡi ngựa bắn cung, đôi khi Ngọc Trảo không vồ trúng trong một kích, y phải bắn bồi thêm một mũi tên nữa mới xong.

Bọn họ không thiếu thịt để ăn, thịt cũng khó bảo quản nên nhiều khi một ít chuột đồng thỏ hoang đều cho chim ưng giải quyết hộ.

Mõm của Ngọc Tảo cũng cứng chắc như móc sắt, móng vuốt nó quặp vào con mồi, cúi đầu mổ một phát là một miếng thịt mất tăm. Sức ăn của nó rất lớn, cũng chịu đói được rất lâu, sau mỗi một bữa có thể nhịn hơn hai mươi ngày không ăn là bình thường.

Tạ Yến Hồng và Trường Ninh không dám tới gần, chỉ Ô Lan mới có thể vuốt ve bộ lông chim sáng bóng của nó mà thôi.

Trường Ninh thấy Tạ Yến Hồng cứ nhìn không chớp mắt, bèn nói: “Ô Lan nuôi Ngọc Trảo từ khi nó còn là chim non, huấn luyện không nghỉ một thời gian dài mới luyện ra được.”

Tạ Yến Hồng từng đọc trong sách sử, vào thời tiền triều còn cường thịnh, ngoại tộc còn thói quen triều cống vẫn thường xuyên tiến cống chim ưng đã huấn luyện cùng người thuần ưng. Nội dung luyện ưng y có hiểu biết một chút, nếu những gì trong sách viết là thật, vậy chứng tỏ Ô Lan cũng là một người lợi hại khó lường.

Trường Ninh nhìn Ngọc Trảo lại lần nữa giương cánh bay vòng vòng, nói: “Có lẽ mùa xuân năm nay họ sẽ thả chim ưng về núi.”

“Thả đi?” Tạ Yến Hồng kinh ngạc hỏi.

“Đúng vậy,” Trường Ninh nói, “Sau khi thả đi chúng nó sẽ bay về núi sinh con đẻ cái, như vậy mới có thể gìn giữ giống loài đời đời kiếp kiếp.”

Chờ chim ưng ăn no, con mồi cũng bắt được, tối hôm đó bọn họ lại có bữa tối phong phú thịnh soạn.

Thịt thỏ nướng vàng óng mỡ, không cần nêm gia vị mà trực tiếp kẹp ăn với bánh nướng. Người Khương vốn mê rượu, cũng thích uống trà, nhắm cùng thịt có rượu nho, rượu gạo, rượu sữa và cả rượu mạnh cay xộc lên tận não, Tạ Yến Hồng chỉ ngửi một lần đã choáng váng. Lá trà phơi khô đóng thành bánh, mỗi lần chỉ cần bẻ ra một ít cho vào ấm trà nấu lên, sau đó nấu thành trà bơ*.

*Trà bơ – 酥油茶: còn được gọi là Bho jha, cha süma hay yak milk tea, là một loại thức uống của người dân vùng Himalaya ở Nepal, Bhutan, Pakistan, Afghanistan, Kazakhstan, Tajikistan, Đông Turkestan, Tây Tạng và các khu vực phía tây của Trung Quốc, Trung Á và vùng Caribe ngày nay.



Tạ Yến Hồng thích nhất là món vụn sữa* của người Khương được làm từ sữa đã tách bơ phơi khô, ăn vào miệng hương sữa thơm ngào ngạt.

*Vụn sữa khô – 乳渣



Người Khương sùng đạo Phật, phụ thân Ô Lan còn mang theo bên người không ít kinh Phật bằng chữ Hán. Trước kia mẫu thân Tạ Yến Hồng cũng thờ Phật nên y thường xuyên giúp mẹ sao chép kinh văn, vì thế mỗi khi rảnh rỗi, y liền lấy 《 Kinh Hoa Nghiêm 》 ra đọc cho phụ thân Ô Lan nghe. Ông lão cực kỳ thành kính, ngày thường không ăn thịt, những lần nghe đọc kinh Phật thường cầm theo tràng hạt lẩm nhẩm đọc theo. Đám trẻ con gần đó cũng tò mò tụ tập quanh đống lửa lắng nghe cùng.

Từng câu tiếng Phạn vang lên thanh thoát trong trẻo hòa cùng tiếng bếp lửa cháy tí tách, giữa đêm khuya yên tĩnh rất có sức xoa dịu lòng người.

Tạ Yến Hồng tụng xong một lần, gấp sách ngẩng đầu lên đã thấy Trường Ninh ngồi xổm cách đó không xa nhìn mình, con ngươi nâu nhạt, ánh mắt thâm trầm tựa như mặt hồ sâu thẳm không thấy đáy. Màn đêm buông xuống, xung quanh yên tĩnh, Tạ Yến Hồng chỉ nghe được tiếng tim mình đập dồn, bàn tay siết chặt cuốn《 Kinh Hoa Nghiêm 》 đã ố vàng, cụp mắt không dám nhìn nữa.

Trường Ninh lại rất được đám trẻ con yêu thích, các em bé người Hồ cực kỳ đáng yêu, tóc xoăn dài, lông mi cong vút, đôi mắt ướt át long lanh vây kín quanh Trường Ninh, tay bám trên cánh tay hắn không buông. Hắn đột ngột giơ cao tay, hai đứa bé hai bên kinh hô một tiếng, bàn chân lập tức cách không treo lủng lẳng trên người hắn.

Tạ Yến Hồng quay lại chiếc lều vải ấm áp, cuộn tròn trong tấm chăn lông lạc đà xòe ngón tay đếm, đã sắp đến Tết rồi.

Đám trẻ cười đùa chạy về lều mình, Trường Ninh cũng xốc mành trướng đi vào, cởi áo ngoài rúc vào ổ chăn lông lạc đà. Tạ Yến Hồng như tìm thấy lò sưởi lập tức trở mình chui vào lòng hắn, cánh tay vắt qua eo, đầu rúc vào hõm vai hắn. Đường cằm sắc bén của Trường Ninh liền nằm ngay trên đỉnh đầu xù xù.

Như vậy vẫn chưa đủ, Tạ Yến Hồng ngẩng đầu, dùng chóp mũi và đôi môi ủi vào cằm Trường Ninh như một con chó con chưa mở mắt.

Trường Ninh cảm thấy dưới cằm hơi nhồn nhột liền theo phản xạ cúi đầu nhìn xem, thế là chóp mũi hai người chạm vào nhau, đôi môi vuốt ve quấn quýt.

Tạ Yến Hồng cảm giác toàn thân run lên, sau đó sà vào một nụ hôn không đầu không cuối. Hai làn da ấm áp dán vào nhau khiến y vui sướng hơn hết thảy mọi thứ trên đời, vui sướng đến mức không thể suy nghĩ, tay y dán trên ngực Trường Ninh, cảm nhận được nhịp đập từ trái tim bên dưới lớp da thịt.

Khiến y vô cùng an tâm.

Ngày đầu tháng giêng năm đó là một ngày hiếm hoi trời đẹp, tuyết ngừng rơi, trời trong vạn dặm, tuyết đọng cũng có vẻ trắng trẻo sạch sẽ hơn ngày thường.

Tạ Yến Hồng dậy rất sớm, y xin từ nhà Ô Lan một chén rượu, một quyển《 Quan vô lượng thọ kinh Phật 》, sau đó đi ra xa hướng mặt về đông nam thành kính tế bái. Tế xong y tưới rượu xuống đất, mỗi một lần tưới gọi người nhà một lần, tưới hết một chén rượu lại lẩm bẩm tụng thêm một lần kinh Phật.

Nếu sau khi chết mọi người có thể thật sự đến miền cực lạc, vô tai vô bệnh thì tốt quá.

Tạ Yến Hồng thong thả thở ra một hơi dài, đầu gối dưới áo choàng bị tuyết thấm ướt hơi lạnh. Y nhấc chén và kinh thư lên, vừa quay đầu liền thấy ngay Trường Ninh đang khoác trường đao, khoanh tay đứng dựa vào một bức tường đổ nát cách đó không xa đợi y.

Dù xác định tạm dừng chân ở chỗ này nhưng Trường Ninh chưa bao giờ thôi cảnh giác, luôn luôn mang đao theo người, ánh mắt cũng âm trầm sắc bén tựa như một con hải đông thanh.

Bước chân Tạ Yến Hồng nhẹ nhàng hơn hẳn, đi qua hỏi hắn: “Chuyện gì thế?”

Trường Ninh đi sóng vai bên cạnh y: “Về ăn cơm sáng.”

Bởi vì hay họp chợ chung nên người Hồ người Hán giao lưu rất nhiều, tập tục ăn Tết của người Khương cũng dần dần tương tự như người Hán. Mùng một tháng giêng mọi người giết dê nấu bò, cúng bái tổ tiên, mặc dù hiện giờ đang lưu lạc bên ngoài, mọi thứ đều giản lược nhưng vẫn còn khá nhiều nghi thức phải làm.

Ô Lan và các chị em họ búi tóc cao lên đỉnh đầu, mùa đông không có hoa tươi, chỉ có thể cài trâm hoa lên tóc, trán, cổ, ngực và cổ tay đeo đầy trang sức. Thứ xinh đẹp nhất trên người Ô Lan là chiếc khăn trùm đầu, mặt khăn thêu đầy vỏ sò lung linh rực rỡ dưới ánh nắng. Đàn ông trong tộc cũng thay sang áo da mới, sắc mặt ai nấy vui vẻ rạng rỡ như mặt trời.

Vừa thấy Tạ Yến Hồng bước tới, Ô Lan liền đưa cho y một chén trà bơ nóng hổi.

Hôm nay nàng cũng tô môi vẽ mắt trông càng thêm mỹ lệ mê hồn, tay nàng xách một con thỏ hoang từ bên đống lửa, xoay tròn cánh tay ném lên trời. Ngọc Trảo đang xoay tròn giữa không trung lập tức lao xuống, giương móng vuốt quắp chặt thỏ hoang, hạ cánh vùi đầu ăn ngấu nghiến.

Cả ngày hôm đó bọn họ chỉ uống rượu uống trà ăn thịt, dẫu con đường phía trước còn mờ mịt vẫn phải tận hưởng vui vẻ trước mắt. Xung quanh là người Địch cướp bóc lan tràn, hôm nay mọi người vẫn phải về nhà đoàn tụ với người thân.

Đến khi màn đêm buông xuống, đống lửa đốt lên, tộc Ô thị ngồi bên đống lửa lấy nhạc cụ ra tấu, có sáo trúc và huân, Ô Lan ôm tỳ bà trong lòng, thậm chí có người ôm cả chĩnh rượu, vừa gõ chĩnh vừa ca hát. Tiếng ca khi u sầu lúc réo rắt, khác xa với những làn điệu mềm mại mà Tạ Yến Hồng từng nghe trước nay. Tiếng hát mênh mông như đồng cỏ, rộng lớn như trời cao, đôi khi lại sâu thẳm tựa dãy núi nhấp nhô gập ghềnh.

Mặc dù Tạ Yến Hồng không quen uống rượu, nhưng dưới tình huống như vậy cũng không khỏi uống nhiều thêm mấy ly, khiến bản thân nhanh chóng say chếnh choáng.

Mọi người bắt đầu nhảy múa quanh đống lửa. Tạ Yến Hồng không hiểu vũ điệu của bọn họ, thoạt nhìn hơi giống Hồ Toàn Vũ nhưng bớt đi mấy phần quyến rũ, nhiều thêm vài phần hào sảng. Cả nam lẫn nữ đều nhảy, cổ tay cổ chân Hồ nữ đều đeo lục lạc, động tác múa xoay chuyển phức tạp làm tiếng chuông như châu rơi mâm ngọc, thanh thúy êm tai. Bọn họ liên tục nhảy múa xoay tròn, đống lửa in hằn dáng vẻ xuống mặt đất khiến Tạ Yến Hồng càng mơ màng hoa mắt.

Đột nhiên có một thiếu nữ khuôn mặt không quá quen thuộc mỉm cười chạy tới chỗ Tạ Yến Hồng, y nhớ mang máng hình như là đường muội của Ô Lan, xinh xắn đáng yêu như một gốc linh lan vừa chớm nở. Nàng chạy tới mang theo tiếng lục lạc giòn giã, nhẹ nhàng kéo kéo Tạ Yến Hồng.

Tạ Yến Hồng liên tục lắc đầu, nhất thời không rảnh lo xem đối phương có nghe hiểu hay không, luôn miệng nói: “Ta, ta không biết…”

Nàng hoàn toàn không nghe mà mải mê kéo tay Tạ Yến Hồng xoay tròn. Tạ Yến Hồng kinh hô một tiếng, sợ mình té ngã nên chỉ có thể tiếp tục xoay theo nàng. Y liếc mắt nhìn Trường Ninh, chính hắn cũng vừa bị Ô Lan kéo vào giữa điệu vũ không biết bắt đầu từ khi nào, cũng chẳng rõ bao giờ sẽ kết thúc kia.

Tạ Yến Hồng bất ngờ nhận ra Trường Ninh biết nhảy.

Hắn nhảy hơi khác với cách những người còn lại nhảy, có vẻ như dung hợp giữa nhiều điệu nhảy của người Hồ, mỗi bước đều vững chãi, thỉnh thoảng lại nhảy lên. Hắn chỉ cần dựa vào lực eo là đủ để xoay người hạ tay như con khỉ vớt trăng dưới nước. Bả vai hắn dày rộng, sải tay cực dài, động tác uyển chuyển, mặt mày nghiêm túc.

Ở thời điểm Tạ Yến Hồng bị xoay đến trời đất quay cuồng, đột nhiên thiếu nữ buông tay làm y ngã ngửa ra sau, vừa đúng lúc được Trường Ninh ôm vào trong ngực.

Tiếng nhạc thoáng chốc im bặt, điệu vũ cũng tạm dừng.

Thiếu nữ người Hồ kéo tay Tạ Yến Hồng tháo lục lạc trên cổ tay nhét vào tay y, mỉm cười nói câu gì đó rồi xoay người chạy mất.

Tạ Yến Hồng đang thở hổn hển bỗng chốc phải cầm thêm một cái vòng lục lạc.

Y quay đầu thấy Trường Ninh cũng thở dốc vì nhảy, lồng ngực phập phồng, giữa đêm đông mà đầu cổ vẫn toát mồ hôi đầm đìa.

Trường Ninh nói: “Nàng vừa tán tỉnh ngươi đấy.”
Lời tác giả:

Gia đình Ô Lan được thiết lập là người dân tộc Khương, bởi vì bối cảnh truyện là hư cấu nên có dung hợp thêm vài tập tục sinh hoạt của các dân tộc thiểu số khác, chủ yếu tham khảo từ người Đảng Hạng ở Tây Hạ.

Thích viết mỹ nữ quá.
Bạn cần đăng nhập để bình luận