Vẽ Lại Mối Tình Đầu - Tây Tây Đặc
Chương 1: Bé Tóc Vàng
Bà cụ ở phía sau đang cầm chiếc chậu nhựa màu đỏ bị bong tróc mắt to trừng mắt nhỏ nhìn con chuột lột là cô.
“Meo~”
Khán giả duy nhất ở đây là con mèo nhỏ mập mạp màu xám, gãi chân kêu meo meo khiến bà cụ sợ hãi. Bàn tay gầy của bà cụ run rẩy làm chậu nhựa rơi xuống đất, rung lắc vài cái.
Trần Ngộ sợ bà cụ không thở được nên quay người trấn an một lát, lúc này mới ướt sũng trở về nhà thay quần áo.
Kết quả là cửa nhà đóng chặt, bố mẹ đến nhà máy rồi.
Trần Ngộ sờ túi quần thì phát hiện trống rỗng, trong ba lô cũng không có chìa khóa. Cô làm rơi ở trong nhà rồi nên đành phải trèo từ nhà hàng xóm sang sân nhà mình để vào thay quần áo.
Một lần ra khỏi nhà đầy nhốn nháo.
Trần Ngộ đạp xe dọc theo con đường dài đằng đẵng rồi rẽ vào một con đường hẹp dọc bờ kênh, một vài con tàu chở hàng nhàn rỗi neo đậu tại bến tàu.
Trong ánh nắng ban mai đầu mùa thu, một cây cầu bắc qua hai bờ kênh. Đây là huyết mạch giao thông của thành phố C, nơi mà mọi người qua lại hằng ngày, nhưng lại ít người biết, ở phía sau cây cầu bắc qua con kênh này, trong tòa nhà sáu tầng màu trắng là phòng vẽ nổi tiếng nhất của thành phố – Phòng vẽ tranh Nguyên Mộc.
Tám giờ mười, Trần Ngộ lần đầu tiên đi trễ đã đến dưới lầu của phòng vẽ. Cô nhanh chóng dựng xe, khóa xe, túm lấy ba lô rồi vội vội vàng vàng chạy vào hành lang, vừa thở hổn hển vừa leo cầu thang. Càng đi lên thì các bậc thang càng tối, hiện ra ánh sáng như ruột bút chì.
Đế giày thể thao của Trần Ngộ hơi trơn trượt, cô không chú ý nên vô tình đụng phải một người bên cạnh.
“Xin lỗi.”
Trần Ngộ vội vã chạy lên phòng vẽ nên không để ý là ai. Cô duy trì tư thế leo cầu thang mà xin lỗi, nhưng cánh tay của cô thì bị nắm lại.
Trên đỉnh đầu truyền đến một tiếng mắng gắt gỏng: “Đệch.”
Trần Ngộ nghiêng đầu sang một bên, di chuyển tầm mắt hướng lên nhìn thấy một khuôn mặt nổi bật, trẻ trung kiêu ngạo, trong mắt lúc này toàn lời nói thô tục, cả người thì lạnh lùng.
Chàng trai tên là Giang Tùy, hotboy ở trường THPT số 2. Bọn họ đều học chung phòng vẽ, ngồi cùng một hàng và quay lưng vào nhau.
Cho đến nay cũng chưa từng giao tiếp với nhau.
“Ông đây còn chưa được ăn miếng nào.”
Giang Tùy nhìn bánh bao súp ‘xấu số’ trên bậc thang, nhíu mày đầy tức giận.
Trần Ngộ vùng khỏi tay anh nói: “Xin lỗi.”
Giang Tùy cười lạnh: “Vậy là xong?”
Trần Ngộ bình tĩnh nhìn anh: “Vậy cậu muốn thế nào?”
Giang Tùy chỉ vào cái bánh bao không nguyên vẹn: “Bánh này, mẹ nó ông đây xếp hàng nửa tiếng ở chỗ Lão Viên mới mua được đấy.”
Trần Ngộ mím môi, vẻ mặt lãnh đạm: “Sáng mai tôi sẽ đền cho cậu.”
Giang Tùy liếc nhìn lúm đồng tiền trên má cô: “Vậy bữa sáng hôm nay của ông đây thì sao?”
Hai người còn đang bế tắc thì có một giọng nói từ trên lầu vang lên.
“Hai em đang làm gì vậy?”
Trong ánh mắt thờ ơ của Giang Tùy, sắc mặt cô gái hơi thay đổi rồi ngay lập tức trở nên ngoan ngoãn.
Chậc.
Trần Ngộ cụp mắt xuống, gọi: “Thầy Triệu.”
Triệu Thành Phong đi xuống, ánh mắt của thầy ấy lướt qua lại giữa cô và Giang Tùy: “Chuyện gì vậy?”
Trần Ngộ còn chưa kịp trả lời thì Giang Tùy đã lười biếng ngáp một cái, vẻ mặt uể oải đáp: “Không có gì ạ.”
“Không có gì thì sao không vào phòng vẽ?”
Triệu Thành Phong nhìn đồng hồ: “Đã trễ gần hai mươi phút rồi, hôm nay hai em chịu trách nhiệm vệ sinh phòng vẽ.”
Trần Ngộ không hỏi gì: “Em biết rồi ạ.”
Giang Tùy nói cùng lúc với cô: “Vệ sinh phòng vẽ không phải là theo lịch trực nhật sao ạ?”
Triệu Thành Phong làm như mới nhớ ra: “Cũng đúng.”
“Vậy thì dọn wc nhé.”
Giang Tùy: “…”
Trần Ngộ nhìn anh không nói lời nào.
Khuôn mặt Giang Tùy giật giật, mẹ nó.
Từ tầng một đến tầng năm của tòa nhà màu trắng hầu hết là nhà ở, phòng vẽ chỉ chiếm tầng trên cùng, vừa bước vào là sẽ thấy một sảnh lớn rất rộng rãi, hai bên đặt nhiều nhóm đạo cụ.
Đó là nơi dành riêng để vẽ vật thực tập thể.
Bên phải của sảnh lớn là phòng vẽ số năm dành cho các lớp dưới và phòng làm việc của Triệu Thành Phong. Bên trái của sảnh lớn là bốn phòng vẽ được sắp xếp theo thứ tự.
Trần Ngộ và Giang Tùy đều ở phòng vẽ số ba.
Có một tấm biển “Phòng vẽ số ba” trên tường ở ngay cửa ra vào.
Phòng vẽ số ba không lớn, tổng cộng chỉ có sáu người gồm bốn nam và hai nữ, được chia thành hai nhóm trong đó mỗi nhóm ba người, giá vẽ dựa vào tường còn học sinh ngồi quay lưng vào nhau, có một lối đi hẹp ở giữa.
Giang Tùy đẩy cửa đi vào.
Đồng bọn Tạ Tam Tư đang ăn sáng, nhìn thấy khuôn mặt chết chóc của Giang Tùy thì bị sặc một ngụm sữa đậu nành.
“Anh Tùy, trên đường giẫm phải phân chó à?”
Sau khi dọn sạch bánh bao trên cầu thang, Trần Ngộ xuất hiện ở cửa thì nghe được câu này, cô nhìn lên.
Tạ Tam Tư lập tức nở một nụ cười ngốc nghếch: “Chào buổi sáng.”
Trần Ngộ đi tới ngồi xuống trước giá vẽ của cô.
Tạ Tam Tư đang định nói chuyện với người anh em thì nhìn thấy anh uể oải đi đến giá vẽ của Trần Ngộ: “Bữa sáng của tôi đâu?”
Mọi người trong phòng vẽ đều đồng loạt quay đầu lại.
Bầu không khí vi diệu đến khó tả.
Trần Ngộ đặt ba lô lên đùi rồi mở khóa kéo lấy ra hai cái bánh mì nhỏ hiệu Panpan: “Cho cậu này.”
Giang Tùy cười lạnh: “Đùa tôi đấy à?”
Trần Ngộ lạnh lùng nói: “Cậu đâu phải đứa bé ba tuổi ngây thơ, tôi đùa với cậu làm gì?”
Sắc mặt Giang Tùy đen như đáy nồi.
Trần Ngộ nhét bánh mì nhỏ vào lại ba lô, lục lọi lần nữa thì tìm được hai miếng socola đồng tiền vàng và một cây kẹo mút Alpenliebe: “Cần không?”
Cần con khỉ.
Giang Tùy chướng mắt cô, định nhấc chân rời đi thì thấy cô thở phào nhẹ nhõm, bước chân của anh dừng lại rồi đưa tay ra lấy những thứ cô đang có.
Cuối cùng, anh nói thêm: “Đừng quên bánh bao sáng mai đấy.”
Trần Ngộ: “…”
Cảnh tượng này kéo dài không quá ba phút, mọi người đều sững sờ, không kịp phản ứng.
Bầu không khí trong phòng vẽ càng vi diệu hơn.
Khi Giang Tùy quay lại, Tạ Tam Tư tiến lại gần mỉm cười như tú bà: “Anh Tùy, chuyện gì vậy? Phải lòng rồi hả?”
Giang Tùy cười khẩy nói: “Tôi bị điên à?”
Anh bốc đồng tiền vàng ra rồi cắn một miếng, ngay lập tức cau mày chán ghét: “Mẹ nó dở quá.”
Tạ Tam Tư vừa định nói gì đó, liếc thấy thầy giáo ở cửa thì lập tức ngồi ngoan như một đứa trẻ. Cậu ta chợt nhớ ra hộp sữa đậu nành trong tay bèn vội vàng nhét vào chiếc túi treo cạnh giá vẽ.
“Hôm nay vẫn tiếp tục vẽ phối cảnh khối hình học, buổi sáng một bức, trước khi tan học thì nộp lên.”
Triệu Thành Phong để lại một câu rồi đi tới phòng vẽ khác.
Trần Ngộ lấy một tờ giấy vẽ ra, thuần thục đặt lên bảng vẽ, rút bốn chiếc đinh nhỏ màu vàng ở góc dưới bên trái giá vẽ ra rồi đóng vào bốn góc của tờ giấy vẽ.
Ngoài cô, trong phòng vẽ này còn có một nữ sinh khác là tên Phan Lâm Lâm, học cùng trường với cô. Gần đây cô ta đã xin nghỉ phép không đến, còn những nam sinh khác cô ta đều không quen nên lặng lẽ làm việc của mình.
Giai điệu của bài hát《Thiên Đường》vang lên trong sảnh lớn bên ngoài.
Cả thế giới dường như bỗng trở nên trống rỗng và xa vời.
“Cuộc sống thật khó khăn.”
Tạ Tam Tư vừa giải quyết bữa sáng vừa lải nhải: “Thật không dễ dàng gì mới sống qua những năm tháng thực hành việc sắp xếp các đường thẳng, vậy mà lại phải tiếp đón khối hình học.”
“Mẹ kiếp, hình vuông và hình tam giác đáng yêu biết bao, hình chữ nhật và hình chóp tam giác này là do con người vẽ sao?”
“Còn phải vẽ các đường phối cảnh nữa, f.u.c.k!”
Ngoại trừ Giang Tùy thì hai chàng trai còn lại đều đang nghe Tạ Tam Tư than phiền, chỉ là họ không học cùng cấp ba, quan hệ bình thường nên không tham gia vào cuộc trò chuyện nhưng trong lòng thì rất thấu hiểu.
Mỗi lần cậu ta vẽ một khối hình học, dù nhìn thế nào đi nữa thì đều cảm thấy nó hoàn hảo. Nhưng khi nhìn vào những đường phối cảnh trong bóng tối thì mới thấy chẳng có cái nào ra hồn cả, đều vẽ sai.
Điều đáng sợ nhất là vẽ trên tờ giấy khổ lớn 4K nên các đường nét phải thẳng và chính xác. Nhiều khi sự hiểu biết của cậu ta về phối cảnh là đúng, nhưng đến khi vẽ đường nét thì cầm bút, nín thở, đưa bút, di chuyển bút, sau đó tay cậu ta run như bị co giật, thế là đường nét lại bị lệch.
Học vẽ thật khó.
Vẽ tĩnh vật, thạch cao, vẽ vật thực các thứ sau này đều không dám nghĩ đến.
Sau khi Tạ Tam Tư phàn nàn xong mới phát hiện ra không ai quan tâm đến mình. Cậu ta buồn bã thở dài, thế quái nào lại hơi nhớ sự mặt dày của Phan Lâm Lâm?
“Anh Tùy?”
Tạ Tam Tư gõ lên tấm bảng vẽ sạch sẽ của Giang Tùy: “Hôm nay anh định nghỉ ngơi à?”
“Nghỉ.” Giang Tùy đeo tai nghe vào.
Tạ Tam Tư rất cảm kích, người anh em, may là có anh đội sổ.
Buổi sáng sắp tan học, Lưu Kha ở phòng vẽ số một ghé qua: “A Ngộ, nét vẽ của cậu vẫn cần phải luyện thêm đấy.”
Cô ấy vừa nói vừa cầm lấy bút chì của Trần Ngộ, xếp các đường bên cạnh hình tròn trên giấy vẽ của cô.
“Hai bên mỏng và trung tâm dày, điểm cơ bản này cậu đã làm được, nhưng khi cậu sắp xếp các đường nét từ mỏng đến dày, từ đậm đến nhạt vẫn chưa được tốt.”
Lưu Kha khua bút chì, giọng nói pha lẫn trong âm thanh xào xạc sắc bén do đầu bút chì ma sát với giấy vẽ tạo ra: “Khi vẽ các nét phải dứt khoát, thả lỏng, tư thế cầm bút của cậu rất chuẩn, chắc chắn có thể đi nét tốt.”
Trần Ngộ nhìn những đường nét do Lưu Kha vẽ, chúng gọn gàng, ngăn nắp và sắc nét, cô nhìn chăm chú một lúc rồi nói: “Buổi tối về tớ sẽ luyện thêm.”
Lưu Kha trả lại bút chì, gục trên đầu vai cô, thấp giọng nói: “Đúng rồi, tớ đã nghe về chuyện của cậu và Giang Tùy.”
Trần Ngộ: “Chuyện gì?”
Lưu Kha: “Nói hai người các cậu có một chân *.”
(*Có một chân: có quan hệ mập mờ, bất chính.)
Trần Ngộ vỗ vỗ chân mình: “Hai chân.”
“…” Lưu Kha: “Đi, vào wc rồi nói.”
Trần Ngộ và Lưu Kha tới phòng vệ sinh thì chạm mặt Giang Tùy đang rửa tay ở bồn rửa.
Móng tay được cắt tỉa gọn gàng, xương ngón tay vừa trắng lại thon gọn.
Đường nét trên cổ tay và bàn tay vô cùng mượt mà.
Cảm nhận được có hai ánh mắt ở phía sau, Giang Tùy nghiêng đầu, chỉ liếc qua một cái rồi thản nhiên quay mặt lại tiếp tục rửa tay.
Lưu Kha hừ lạnh: “Kênh kênh kiệu kiệu như kéo được nhị ngũ bát vạn ấy.”
Trần Ngộ đi tới nhà vệ sinh nữ.
Lưu Kha theo sau: “A Ngộ, để tớ nói cho cậu biết……”
Một lúc sau, Trần Ngộ đi ra rửa tay mới phát hiện Giang Tùy vẫn còn ở đó vẫn chưa đi. Anh cúi thấp lông mày rồi thỉnh thoảng lắc lắc sợi lắc bạc trên cổ tay.
Mười ngón tay ánh lên sắc màu lạnh lẽo.
Trần Ngộ mở vòi nước, Giang Tùy hé môi: “Ê, Bé Tóc Vàng.”
Trần Ngộ – người bẩm sinh có mái tóc màu vàng nheo mắt lại, không quan tâm.
Có tiếng bước chân đến gần, mang theo một mùi thơm rất thoang thoảng không rõ là mùi bột giặt hay trầm hương xông vào mũi cô.
Trần Ngộ tắt vòi nước rồi xoay người lại, ngẩng cao khuôn mặt trái xoan với chiếc cằm nhọn, thấy rõ mạch máu màu xanh mờ mờ.
Giang Tùy dừng bước, nheo mắt.
Cô gái cao ngang ngực anh, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt trắng nõn, lông mi rậm, đôi mắt đen láy. Khi cô nhìn anh khiến anh có ảo giác rằng những bông tuyết đầu mùa đang vuốt ve khuôn mặt mình.
Vừa rét vừa lạnh.
Giang Tùy liếm hàm răng, đút hai tay vào túi, hơi cong lưng xuống: “Nói nghe này, bánh bao súp ngày mai không cần mua nữa, việc dọn dẹp nhà vệ sinh cậu tự làm.”
Trần Ngộ liếc nhìn nhà vệ sinh.
Gạch lát sàn loang lổ những vết bẩn do bút chì từ phòng vẽ thật bẩn thỉu.
Trần Ngộ nhanh chóng bác bỏ đề nghị của Giang Tùy và đưa ra ý kiến của mình: “Cậu chịu trách nhiệm dọn nhà vệ sinh, ngày mai tôi mang cho cậu hai cái bánh bao súp.”
Không đợi Giang Tùy trở mặt phát hỏa, Trần Ngộ đã nhẹ nhàng nói thêm: “Còn ngon hơn so với tiệm cậu mua lúc sáng.”
Giang Tùy mê đắm bánh bao súp có hơi dao động, trầm ngâm cười một tiếng: “Cậu nói thì tôi sẽ tin à?”
Trần Ngộ lại mở vòi nước, với lấy cục xà phòng cạnh bồn rửa rồi cọ nhẹ vào mép ngoài ngón út của bàn tay phải và lau đi lớp bụi bút chì còn sót lại.
Đúng lúc này thì Lưu Kha đi ra, Trần Ngộ nhường chỗ cho cô ấy.
Giang Tùy đứng yên tại chỗ, bất động, anh đang nghĩ có tiệm bánh bao súp nào ở thành phố C này mà anh chưa từng ăn nên nhất thời chưa rời đi.
Bàn chân Trần Ngộ dẫm lên giày thể thao của anh.
Giang Tùy, người yêu giày như mạng sống liếc nhìn dấu chân mới được in ra, chết lặng.
Hưởng dương mười tám tuổi.
Bạn cần đăng nhập để bình luận