Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ
Chương 41: Núi sâu có gì?
Sáng sớm, Uông Tễ hấp một xửng bánh bao và bánh mè tròn.
Bánh bao là loại bánh trắng thông thường, Uông Tễ chuẩn bị sẵn màu thực phẩm, dùng đũa chấm lên bánh một điểm đỏ. Bánh bao điểm đỏ vừa dùng để cúng, vừa để ăn, mang ý nghĩa cầu mong may mắn, sức khỏe, bình an, trường thọ.
Bánh mè tròn cũng là một đặc sản ngày Tết ở quê họ, mỗi chiếc lớn cỡ lòng bàn tay, được làm rất chắc tay. Lớp vỏ nếp dẻo mịn bọc bên trong là nhân mè đen sánh mịn. Sáng ngày giao thừa hấp bánh mè tròn, tối đến chiên thịt viên, tất cả đều mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy.
Bánh bao và bánh mè được xếp gọn lên đĩa, kèm theo rượu và bánh ngọt. Trong căn bếp kiểu cũ ngập hơi nước, Uông Tễ lên tiếng: “Đi thôi.”
Sau một đêm tuyết lớn, khắp nơi bên ngoài phủ trắng xóa, sạch sẽ và tĩnh lặng.
Hôm qua họ đã về nhà Uông Tễ, dọn dẹp sạch sẽ từ trong ra ngoài ngôi nhà nhỏ, tối đến còn nhóm lửa ở bếp củi đã lâu không dùng. Nhân bánh mè cũng cần chuẩn bị trước từ hôm ấy.
Uông Tễ đặt những chiếc bánh mè còn nóng hổi trước mộ, rồi nói: “Tụi cháu không có lười biếng đâu nha, không dùng máy móc, mè này đều cho vào cối giã bằng tay.” Anh vừa nói vừa chỉ về phía Phù Tô bên cạnh: “Là anh ấy giã đó.”
Phù Tô bước lên trước, nâng bình rượu, cẩn thận rót đầy hai chén.
Tuyết phủ lên đôi lông mày của Uông Tễ một màu bạc trắng. Anh châm ba nén nhang, cắm vào lư hương, rồi chậm rãi nói: “Lại thêm một năm nữa rồi.”
Giữa núi non trùng điệp, gió cuốn theo hơi nóng từ thức ăn và mùi thơm của rượu, không gian mênh mông như chứa đựng cả nỗi nhớ không cùng. Những người bên cạnh là điều quý giá cần phải trân trọng.
Nhang nến cháy hết, họ quay lưng lại, trong ánh nhìn dịu dàng của đất trời, sánh vai bước đi.
Bữa cơm tất niên ăn ở nhà chú Uông, chuyện này chú và thím Uông hôm qua còn phải lặn lội đến tận nơi để nhắc: “Giao thừa không như ngày thường, ngày thường hai đứa bây ăn qua loa thế nào cũng được, chứ giao thừa là phải vui vẻ đông đủ.”
“Phiền phức quá trời.”
“Có thêm hai đôi đũa thôi chứ phiền gì? Tết nhất phải đông mới vui. Với lại, bác cả với chú ba của thằng Dương đều là người nhìn bây lớn lên, quen thuộc cả mà.”
Không từ chối được, Uông Tễ và Phù Tô đành gật đầu đồng ý.
Chiều hôm đó, hai người cùng dán câu đối và hoa dán cửa sổ cho hai nhà, mở hết đèn trên dưới, rồi dắt chó xuống núi.
Đêm giao thừa, đường phố dưới chân núi vắng vẻ hơn hẳn. Ai nấy đều ở nhà vừa sưởi ấm vừa trò chuyện, chuẩn bị cơm tất niên, chỉ thi thoảng có người ghé tiệm tạp hóa mua thêm món gì còn thiếu sót.
“Lấy một thùng cồn khối với một chai nước tương, đúng hông?”
“Đúng, may mà tôi nhớ ra, không thì tối nay bưng nồi lẩu lên mà không có cồn đốt thì rắc rối chết! Lấy thêm cho tôi một chai nước ngọt loại lớn, để mấy đứa nhỏ uống.”
“Mấy đứa nhỏ uống thì lấy nước dừa được hông?”
“Được chứ, tôi trả tiền mặt nha.”
“Dì ơi, má con kêu con ra mua cồn nè!”
“Nhà con cũng quên mua hả?”
“Không phải quên, mà là hết rồi. Tháng này nhà con ăn lẩu hoài, một thùng cồn mà giờ chỉ còn hai viên.”
“Chờn đất ơi, ăn lẩu hoài hèn chi dì thấy mặt con tròn quay luôn á!”
“Dì đừng có chọc nữa, nghỉ Tết về nhà cái là con mập mấy ký liền rồi.”
“Uông Ngọc cũng vậy đó, suốt ngày nằm dài trên ghế sofa coi tivi với chơi điện thoại, ăn xong rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, mỗi bữa có thể ngốn hết nửa rổ quýt đường, cái eo giờ chật hết cả rồi.”
“Thanh toán qua ví điện tử 18 tệ.”
“Dì, mai mốt kêu Uông Ngọc qua chơi với con nha, con có chuyện tám với bả nè.”
“Được!”
Chờ đến khi cô chị lớn vội vàng và cô bé nhỏ nhắn ôm đồ rời đi, Uông Tễ cùng Phù Tô mới bước đến quầy.
“Ủa,” Uông Vân Anh ngẩng lên, hơi khựng lại một chút rồi hỏi, “mua đồ hả?”
Bà nhận ra hai người này, chính là hai thanh niên trẻ hôm dự đám cưới ở làng. Một người trong đó còn là cháu của nguyên bí thư Uông trước đây. Dạo gần đây, mấy chị em trong xóm mỗi lần ngồi tụ lại nhai hạt dưa đều hay nhắc hoặc hỏi thăm về họ. Nghe nói kiếm đủ tiền rồi, từ thành phố lớn trở về nhà thư giãn. Người cao cao kia còn có bạn gái rồi, thật đáng tiếc.
Họ mua hai chai rượu, một cây thuốc, nghĩ đến chuyện anh họ của Uông Dịch Dương đã có con, Uông Tễ còn mua thêm hai bao lì xì.
“Mua rượu với thuốc ngon vậy, đi thăm họ hàng hả?”
“Dạ.” Uông Tễ mỉm cười.
Uông Vân Anh cũng cười: “Thôi, mấy đồng lẻ khỏi trả.”
“Cảm ơn dì.”
“Không có chi, Tết mà!” Uông Vân Anh vui vẻ nói.
Đã bốn giờ chiều, tiếng pháo lẻ tẻ bắt đầu vang lên trong làng. Do không gian núi đồi thoáng đãng, tiếng pháo nghe không hề ồn ào, ngược lại còn mang đến cảm giác rộn ràng, vui tươi.
Uông Vân Anh thu dọn sổ sách và hộp tiền. Trong đầu bà hiện lên cảnh gia đình đông đúc, anh em dâu rể sum họp quanh một bàn lớn. Chắc chắn giờ này ở nhà bếp, mọi người đang cười nói rộn ràng vừa chuẩn bị thức ăn. Nghĩ tới đó, bà cảm thấy không thể ngồi yên được nữa. Tiệm tạp hóa quá lạnh lẽo, bà mong mỏi được nhanh chóng đóng cửa để về nhà.
Nhà chú Uông có ba anh em, chú Uông đứng thứ hai. Ông bà đã mất từ lâu, nhưng ba anh em vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Đến tận bây giờ, cứ Tết đến, ba nhà vẫn cùng nhau tụ họp ăn Tết.
Đậu xe ngoài cổng, Uông Tễ và Phù Tô xách đồ bước xuống. Chưa kịp đến trước cửa, cả hai đã nghe thấy tiếng cười nói rôm rả từ trong sân và trông thấy khói bếp lượn lờ trên mái nhà.
“Đồ xào để cuối cùng, giờ lo làm nồi lẩu trước. Năm nay má tự làm cả đống hoành thánh trứng luôn.”
“Viên Viên, con ra coi chú Hai con đâu rồi. Kêu ổng ra sau vườn nhổ mấy củ cải mà tới giờ chưa về? Còn phải chờ ổng làm món cá kho nữa. Cá kho đỏ thì chỉ có chú Hai làm là ngon nhất.”
“Bốp!”
Từ trong bếp, Uông Dịch Dương thò đầu ra, tay vẫn cầm cái xẻng nấu ăn, quát lớn: “Uông Nhuệ! Mày mà còn quăng pháo vô bếp nữa là tao đập mày đó!”
Cậu nhóc nhỏ con, mặt mày lanh lợi, chẳng chút sợ hãi, cười hì hì chạy biến. Nhưng vừa quay đầu, nó đã đâm sầm vào thân cây. Sững lại vài giây, không khóc, nhưng lại há miệng gào to.
Trong bếp, ba nó chỉ ló đầu ra nhìn qua một cái rồi lại quay vào, không nói không rằng.
“Gào cái gì mà gào, làm ồn tới con chó ngủ!” Bé gái nhỏ ngồi cạnh bếp lửa, chờ nướng quýt, giọng non nớt trách. Trong lòng cô bé, con chó nhỏ tên Nếp vẫn đang nhắm mắt ngủ ngon lành.
Dưới gốc cây, Uông Tễ nhẹ nhàng đặt quân cờ xuống, thở dài chịu thua: “Được rồi, nhận thua.”
Anh và Phù Tô là khách, nên không được vào bếp phụ giúp. Đối diện anh là bác họ của Uông Dịch Dương – người nổi tiếng khắp vùng là “sát thủ nhà bếp” và cũng bị cấm bén mảng vào gian bếp.
Trước khi nghỉ hưu, bác họ làm ở trung tâm văn hóa huyện, quen môi trường đầy sách vở, tranh ảnh, nên thích đọc sách và đánh cờ. Ngày đông ngồi sưởi lửa rảnh rỗi, ông kéo Uông Tễ ra cùng đấu vài ván.
Một ván mới bắt đầu, trên cây, chim ác lành đậu trên cành hồng đông lạnh, tung tăng mổ những trái chín sót lại. Đuôi dài của nó nhảy múa theo từng cú mổ nhẹ nhàng.
Khi ván cờ bước vào thế giằng co, Uông Tễ tựa trán vào tay, ngẫm nghĩ nước đi.
Bất ngờ, từ bếp vang lên tiếng gọi lớn: “Ba ơi——”
Tiếng gọi bất thình lình khiến bác họ của Uông Dịch Dương giật mình: “Gì nữa?! Đang đánh cờ mà!”
“Cái lò cũ này nhóm không lên, ba qua coi giùm. Phải hầm gân bò nữa nè, lẹ đi!”
“Được rồi… Uông Tễ, chờ chút nha,” bác họ đứng dậy, vừa chạy vào bếp vừa lẩm bẩm, “Ai cũng làm phiền hết, đang suy nghĩ nước cờ đó chứ. Mấy việc khó khó là lại phải tới phiên ba đây!”
“Vênh váo ghê.”
Trong bếp, tiếng cười nói rộn rã không ngớt. Uông Tễ cúi đầu nhìn lại bàn cờ, chẳng biết từ lúc nào, Phù Tô đã đứng sau lưng anh, tay luồn vào cổ áo, xoa nhẹ gáy anh.
Tay hắn ấm áp. Uông Tễ ngửa mặt ra sau, mỉm cười thư thái: “Xong rồi hả?”
Uông Dịch Dương có một người em họ học rất giỏi, đang theo chuyên ngành tài chính. Năm sau cậu ta sẽ tốt nghiệp thạc sĩ và có ý định vào làm ở một ngân hàng đầu tư trong nước. Vừa bước vào nhà, Phù Tô đã bị kéo đi để “trao đổi kinh nghiệm”.
Điều này khiến Uông Dịch Dương chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Trao đổi? Mày đã vào được đâu mà đòi trao đổi, phải gọi là xin chỉ giáo thì đúng hơn!”
“Ừ.” Phù Tô đáp một tiếng ngắn gọn.
Uông Tễ nhìn sắc mặt của hắn, nhắc nhở: “Đừng có qua loa với người ta.”
“Không đâu.” Phù Tô mỉm cười, ánh mắt rơi xuống bàn cờ.
Uông Tễ khẽ xoa lưng, than: “Ngồi lâu quá, đau lưng.”
Lò đã nhóm xong, bác họ của Uông Dịch Dương lại chạy từ bếp về.
Phù Tô cúi người, nắm lấy tay Uông Tễ, thay anh đặt xuống một quân cờ.
“Pháo giữa chuyển sang cột hai?” Bác họ động mày, còn chưa kịp ngồi, tay đã đưa mã lên trước.
Chim ác trên cây ăn no hồng đông, vỗ cánh bay đi.
“Chiếu tướng.” Phù Tô nhẹ nhàng lên tiếng.
Bác họ nhíu mày, vừa cười vừa lắc đầu: “Xem cờ không xen lời mới đúng đạo chớ. Sao bây lại mượn viện trợ thế này?”
Phù Tô cười khẽ, nhân lúc áo khoác che khuất, xoa nhẹ lưng cho Uông Tễ.
Khi trời dần tối, trong TV đang phát phỏng vấn trực tiếp trước chương trình mừng xuân, bên ngoài tiếng pháo nổ vang rền, bên trong lại ấm áp như mùa xuân. Người lớn, trẻ con ra vào giữa bếp và phòng khách, bưng lên những món ăn ngon lành tựa yến tiệc quốc gia. Một bàn tròn lớn, thức ăn xếp đầy ắp.
Mùa đông cuối năm, mọi nhà sum họp. Những gì đã mất, những gì đạt được, những gì đã trải qua, tất cả dường như chẳng còn quan trọng nữa. Năm cũ qua đi, năm mới sắp đến.
Trên bàn ăn, điện thoại của ai cũng không ngừng reo. Tin nhắn nhóm, tin riêng, lời chúc cứ tới tấp gửi về.
Điện thoại của Phù Tô cũng reo lên, bạn bè, cha mẹ hắn đều đang ở múi giờ khác. Hắn mở ra xem, bất ngờ thấy tin nhắn từ Phù Hạo – người vừa kết bạn qua WeChat với hắn cách đây không lâu nhờ Uông Dịch Dương giới thiệu.
Phù Hạo gửi một chuỗi tin nhắn thoại dài, nhưng Phù Tô chưa nghe, mà kéo xuống nhìn bức ảnh bên dưới trước.
“Ai vậy?” Uông Tễ hỏi.
“Phù Hạo gửi tôi ảnh gia đình.” Phù Tô đưa điện thoại cho anh xem.
Phù Hạo tuy nhỏ hơn Phù Tô, nhưng đã có con. Trong ảnh, bảy người trong gia đình, Phù Hạo ôm vợ, bế con gái, ngồi giữa cha mẹ hai bên, nụ cười rạng rỡ.
“Nó đang khoe với tôi à?” Phù Tô nhướng mày.
Uông Tễ còn chưa kịp trả lời, Phù Tô đã mở camera, một tiếng “tách” vang lên. Chưa đầy giây sau, một bức ảnh đã được gửi đi.
Cách đó vài chục cây số, Phù Hạo mở tin nhắn ra, kinh ngạc trố mắt. Trong ảnh, căn phòng ấm áp, trên tường dán tranh trang trí đỏ rực, gương mặt anh họ hắn vẫn thanh thoát, kiêu sa như mọi khi. Nhưng ngay bên cạnh, một người khác đang mỉm cười, ánh mắt ngà ngà men say.
“Chết tiệt.” Phù Hạo lẩm bẩm.
“Anh…” Uông Tễ nhìn màn hình điện thoại, lưỡng lự nói: “Làm vậy hắn sẽ biết đấy.”
“Họ nên biết.” Phù Tô bình tĩnh đáp, ánh mắt dừng lại trên anh.
Ăn xong, ngồi trò chuyện thêm một lúc, hai người cáo từ ra về.
Cả hai đã chuẩn bị sẵn lì xì cho bọn trẻ. Uông Tễ ngồi xổm xuống, bỏ một phong bì vào túi áo bé gái nhỏ, nói: “Chúc mừng năm mới.”
Cô bé ngượng ngùng cười, bất ngờ quay người chạy mất. Mọi người tưởng con bé xấu hổ, ai ngờ chẳng bao lâu sau nó quay lại, bím tóc đung đưa theo từng bước chân. Bé đưa cho Uông Tễ một trái quýt nướng, lí nhí: “Cảm ơn chú.”
Rồi rướn người, đưa trái khác cho Phù Tô: “Cảm ơn… ba của Nếp.”
Phù Tô xoa đầu cô bé, mỉm cười dịu dàng.
Ra tới cổng, Phù Tô lấy chìa khóa xe, nhưng Uông Tễ giữ lại: “Không lái đâu, đi bộ về đi.”
Tối nay anh uống hai ly rượu trắng, má vẫn còn nóng, muốn đi bộ hóng gió một chút.
“Được.” Phù Tô cất chìa khóa, tiến lên kéo lại khóa áo khoác của anh.
Khi hắn đang chỉnh lại cổ áo, Uông Dịch Dương bất ngờ bước ra. Đứng trước cổng, cậu ta sững người.
Cổ áo len cashmere ôm sát chiếc cổ trắng ngần, Phù Tô vừa lúc thu tay về.
Uông Dịch Dương lắp bắp: “Mẹ em kêu mang bánh trôi ra cho hai người.”
Không khí trầm lặng trong giây lát, Uông Tễ đưa tay nhận túi: “Trời lạnh, về nhà đi.”
Uông Dịch Dương ngẩn ngơ gật đầu, bước được vài bước, quay đầu lại như định nói gì đó, cuối cùng chỉ giơ tay vẫy: “Năm sau gặp nhé.”
Tiếng giày dẫm lên tuyết xốp kêu lên từng nhịp.
Phù Tô nói: “Cậu ấy biết rồi.”
Uông Tễ mỉm cười, học lại lời hắn: “Nó nên biết.”
Pháo hoa lại nở rộ nơi chân trời. Trong khoảnh khắc được kéo vào vòng tay người kia, Uông Tễ nhắm mắt lại, mặc gió lạnh luồn qua từng nếp áo và đuôi tóc.
Nhiều lúc, Phù Tô cảm thấy như mình đang mơ. Trong giấc mơ ấy, hắn gặp núi, thấy suối, núi xa vững chãi, suối trong dịu dàng. Đến khi tỉnh giấc, hắn lại thấy Uông Tễ trong vòng tay mình.
Họ gặp nhau trong buổi sáng đầu xuân, ôm lấy nhau trong đêm đông lạnh giá. Đợi đến khi mùa đông qua đi, giữa những dãy núi lại sẽ thổi lên làn gió xuân.
Lại thêm một mùa xuân mới.
Nơi núi rừng có gì?
Hoa tùng ủ rượu, nước xuân pha trà.
HOÀN
Bạn cần đăng nhập để bình luận