Niềm Vui Đến Muôn Nhà - Đồng An An

Chương 7

Ta có ấn tượng rất tốt về lão thái thái hòa đồng này, liền mỉm cười chào: "Chào Cửu lão, con là Phan Hỉ Nhi, bà cứ gọi con là Hỉ Nhi cho dễ xưng hô ạ."

 

"Tốt quá, tốt quá, nói năng lại dễ nghe nữa, mau vào nhà ngồi đi."

 

Cửu lão nhà họ Trần nhiệt tình mời chúng ta vào nhà, còn mang ra một đĩa hoa quả lớn để chiêu đãi. Triệu Đắc Thiên cũng không giấu giếm, nhanh chóng nói rõ chuyện muốn mượn tiền làm đậu phụ.

 

Nghe xong, Cửu lão vỗ đùi cười ha hả: "Phải làm thế từ lâu rồi chứ! Nếu mấy năm trước mà nghĩ đến chuyện làm ăn thì làm sao mẹ con phải đan giày đến nỗi mắt mờ như vậy?"

 

"Đúng là lại phải làm phiền đến bà rồi."

 

"Nói cái gì thế! Mẹ con trước kia cũng thường giúp nhà bà sửa quần áo, cha con còn sống thì cứ tết đến lại viết câu đối cho nhà bà. Đáng tiếc là Xuân Muội không có ở đây, nếu không nó có thể chỉ bảo cho hai đứa làm ăn đấy."

 

"Xuân Muội lại lên kinh thành rồi sao ạ?"

 

"Ừ, đại cô tỷ của nó muốn có cháu trai đích tôn, ai ngờ nó vừa lên kinh thành thì lại có thai, đại cô tỷ nó sợ nó vất vả nên không cho nó về quê."

 

Vừa nói, Cửu lão vừa lấy từ trong tủ ra năm xâu tiền và một miếng vải hoa mới cứng.

 

"Số tiền này hai đứa cầm lấy dùng trước đi, không đủ thì lại sang bà mượn thêm, miếng vải này cho Hỉ Nhi, may áo khoác hay áo choàng đều đẹp, coi như là quà ra mắt của bà vậy."

 

Ta làm sao có thể nhận cho được, liền đứng dậy từ chối.

 

Nhưng không ngờ Cửu lão nhà họ Trần còn nhanh tay hơn, bà nhét đồ vào tay ta, giữ chặt lấy tay ta.



 

"Người trong làng xóm láng giềng với nhau, sau này đâu đâu cũng gặp nhau, đừng khách sáo với bà làm gì."

 

Triệu Đắc Thiên làm việc đồng áng rất giỏi, chưa đầy hai ngày đã gặt xong hết lúa.

 

Trong sân nhà họ Triệu chất những đống rơm cao ngất, Đắc Quán nghịch ngợm, chiều chiều lại leo lên đống rơm nằm.

 

Ta cười đệ ấy: “Đệ không sợ ngứa à?” Rơm rạ đ.â.m vào người ngứa lắm.

 

Tên nhóc lắc đầu nguầy nguậy: “Da đệ dày lắm, không sợ đâu.”

 

Sau mấy ngày phơi lúa, xay lúa, gieo hạt, vụ hè cũng sắp kết thúc, ta bắt đầu làm đậu phụ.

 

Nhờ năm xâu tiền Cửu lão nhà họ Trần cho mượn, ta nhanh chóng mua sắm đầy đủ cối xay, khuôn ép đậu, vải màn, thạch cao...

 

Đậu nành năm ngoái nhà thu hoạch được mấy đấu, để dành sẵn trong chum sành ở hầm.

 

Chuẩn bị xong xuôi, ta và Triệu Đắc Thiên ngâm đậu từ sớm, nửa đêm thức dậy xay đậu.

 

Chủ mẫu nhà họ Tiền khẩu vị rất kén chọn, đặc biệt thích ăn đậu phụ tươi mới, hơn nữa bà ta còn cho rằng đậu phụ mua ngoài đường không sạch sẽ, nhất quyết phải ăn đồ làm tại nhà.

 

Vì thế tay nghề làm đậu phụ của ta rất thành thạo.

 

Nghiền đậu, lọc bã, nấu sữa đậu, pha thạch cao, đổ vào khuôn ép, đến khi mặt trời lên cao, hai khay đậu phụ trắng nõn đã hoàn thành.



 

Nhìn thấy luống hành xanh mướt trong vườn, ta nhổ hai nhánh làm món đậu phụ trộn hành, miếng đầu tiên mời mẹ chồng nếm thử.

 

Mẹ chồng run run gắp một miếng cho vào miệng, nếp nhăn trên trán dường như cũng dày thêm vì vui mừng.

 

“Mềm, ngọt, thơm quá, vợ lão nhị, đậu phụ con làm ngon quá!”

 

Ta cũng vui vẻ không ngậm miệng được: “Mẹ, vậy mẹ thấy có thể làm ăn được không?”

 

“Được chứ. Đúng rồi, hôm qua lão gia nhà họ Lưu quy tiên rồi, hôm nay làm lễ tang, con trai mang ít đậu phụ sang đó cho họ, nếu thiếu người thì ở lại giúp đỡ, coi như là tình làng nghĩa xóm.”

 

Ta tò mò: “Mẹ, sao không thấy nhà họ Lưu đến báo tang vậy ạ?”

 

Mẹ chồng nghiêm mặt nói: "Hỉ sự không mời chẳng đến, tang sự chẳng mời tự tới, đó là quy củ từ xưa của nhà nông chúng ta."

 

Ta từ nhỏ đã vào nhà họ Tiền làm a hoàn, đương nhiên không biết những quy củ này, nay nghe thấy vậy, ta bất giác cảm động, thấy nhà nông thật tình cảm.

 

Thế là ta nhanh nhẹn lấy hơn chục miếng đậu phụ từ trong khay ra, gói cẩn thận vào vải màn rồi đưa cho Triệu Đắc Thiên: “Nhà mình tuy nghèo, nhưng cũng đừng keo kiệt, mang thêm mấy miếng nữa đi.”

 

Triệu Đắc Thiên nhìn ta đầy ẩn ý, mỉm cười xách gói đậu phụ rời đi, chưa đầy một tuần trà đã quay lại.

 

“Mẹ, nhà họ Lưu nhận đậu rồi, cho con một dải khăn tang, con thấy họ cũng không thiếu người nên về luôn. Hôm nay trời nóng, con tranh thủ vào thị trấn bán đậu phụ.”

 
Bạn cần đăng nhập để bình luận