Hàng Giả - Nhập Miên Tửu
Chương 21: Bệnh viện
"Sao sắc mặt cậu tệ thế?" Văn Thuật nhíu mày, hắn tiến gần hơn, giọng mang chút ấm áp: "Ốm à?"
Văn Thuật vốn lạnh lùng và ích kỷ, đối phương luôn đặt bản thân lên hàng đầu. Không ít lần Văn Dã ước gì Văn Thuật là kẻ xấu xa từ trong ra ngoài. Đáng tiếc, hắn không đủ xấu xa.
"Không." Văn Dã đáp gọn hai chữ, vài giây sau, hơi nghiêng người cho Văn Thuật vào.
Văn Thuật ngồi xuống sofa, nhìn Văn Dã trong bộ đồ ở nhà, bình thản hỏi: "Sao lại ở đây?"
Văn Dã nằm bò ra chiếc ghế lười màu xám, cổ áo xộc xệch, ngửa đầu ra sau: "Ừm, cãi nhau với bạn gái, không có chỗ ở."
Văn Thuật cởi khuy áo khoác, trông có vẻ thư giãn hơn: "Cậu có thể về nhà, bố mẹ không giận nữa đâu."
Văn Dã không đáp, anh không biết lấy đâu ra một viên kẹo, bóc vội vỏ rồi cho vào miệng, kẹo cứng làm má trái phồng lên. Chẳng mấy chốc, Văn Thuật ngửi thấy mùi đào ngọt ngấy, hương liệu rẻ tiền khiến người ta khó chịu. Văn Thuật vô thức với tay lấy giấy ăn trên bàn, chạm vào có cảm giác lạ, hắn kéo nhẹ, giấy không ra nhưng bỗng từ hộp giấy nhảy ra một con gián đen, giờ đang yên lặng đậu trên mu bàn tay hắn.
Con gián nhựa chất liệu thô kệch, chân sau gãy mất một đoạn.
Ánh sáng trước mắt bị che khuất, không biết từ lúc nào Văn Dã đã đến gần, cúi người nhét con gián vào lại hộp giấy: "Hồi Halloween Tống Nguyên mua về để dọa người, chẳng dọa được ai, chỉ tự dọa mình phát khiếp."
Giọng Văn Dã hơi khàn, nhưng ý cười trong giọng rất rõ.
Văn Thuật chẳng hứng thú với món đồ chơi không mới mẻ này, hắn cúi đầu nhìn mu bàn tay, nghĩ đến cảm giác con gián vừa đậu, đứng dậy đi về phía phòng tắm.
Cánh cửa trắng khép hờ, qua khe hở không rộng không hẹp, Văn Thuật ngửi thấy mùi tanh nồng của cá. Văn Thuật ngẩn người, vừa giơ tay định đẩy cửa thì sau lưng bỗng có một bàn tay vươn ra, nắm lấy tay nắm cửa màu vàng nhạt, đóng khe hở lại.
"Ống nước ở đây hỏng rồi." Văn Dã không nhìn anh, chỉ nghiêng đầu nói: "Ra bếp rửa đi."
Văn Thuật liếc nhìn Văn Dã, không phản đối, đi đến bồn rửa trong bếp, để tay dưới vòi nước xối qua.
Văn Thuật dường như không muốn ở lâu, hắn tùy tiện rút tờ giấy bếp lau khô tay rồi đi ra cửa đi giày.
"Cuối tuần về nhà một chuyến đi." Văn Thuật đứng thẳng lại, nghiêng đầu nhìn Văn Dã, "Mẹ định làm cá hấp mà cậu thích."
Văn Dã đứng trong phòng khách, khóe môi thẳng tắp, nửa mặt khuất trong bóng tối sau rèm cửa, làm đường nét gương mặt thêm sâu.
"Mẹ nào biết nấu ăn?" Văn Dã cười cười, đón lấy ánh mắt Văn Thuật, nói tiếp: "Tôi hiểu mẹ hơn anh."
"Mẹ định nhờ dì Châu nấu." Văn Thuật đổi cách diễn đạt, Văn Dã thấy nghe dễ chịu hơn nhiều.
Dường như cũng không định chờ câu trả lời khẳng định từ Văn Dã, Văn Thuật đẩy cửa định rời đi, Văn Dã bỗng gọi hắn từ phía sau. Văn Thuật quay đầu lại, đối diện ánh mắt Văn Dã.
"Triển lãm đó ngày mấy?" Văn Dã hỏi.
"Đầu tháng sau." Văn Thuật nhìn Văn Dã, lại nói: "Nếu cậu muốn đi, cậu có thể đi với Tống Nguy—"
"Không cần." Văn Dã nhanh chóng ngắt lời, anh dừng một lúc, mới cười nói: "Tôi muốn gì sẽ tự tìm cách, không cần anh nhường."
Văn Thuật nhìn anh, nói một tiếng được, rồi đẩy cửa rời đi.
Tiếng động cơ xe càng lúc càng xa, Văn Dã đứng trong phòng khách một lúc, quay người, đi đến trước cửa phòng tắm đóng chặt, đẩy cửa ra. Mùi tanh của cá xộc thẳng vào mũi, con cá trắm bụng phình to nằm bất động trong bồn tắm, vài con tôm sông đã chết nhưng Tống Nguyên nhất quyết không chịu vớt ra.
Văn Dã cụp mắt nhìn, anh nghĩ, nếu lúc nãy Văn Thuật thấy cả bồn tắm toàn cá thế này sẽ phản ứng thế nào, có lẽ sẽ sốc, lạnh lùng, ghê tởm, hoặc là—
Văn Dã nhanh chóng dập tắt ý nghĩ đó, đóng cửa lại, anh trở về phòng ngủ, thấy màn hình điện thoại sáng lên.
Là tin nhắn từ Tống Nguyên: Hôm nay về muộn, đừng đón tôi.
Văn Dã nằm bò trên giường, chăn trùm kín đầu, ánh sáng màn hình điện thoại hơi chói mắt, Văn Dã nheo mắt, đầu ngón tay dừng trên màn hình một lúc, thoát khỏi giao diện tin nhắn, đặt báo thức sau ba tiếng nữa.
Có lẽ vì sốt, Văn Dã ngủ không yên, mơ vài giấc đứt quãng rồi tỉnh dậy. Bên ngoài trời tối hơn, mặt trời khuất sau tầng mây dày, Văn Dã cầm điện thoại lên nhìn, anh chỉ mới ngủ chưa đầy một tiếng.
Văn Dã xuống giường, thấy vỉ thuốc vứt dưới đất mới nhớ ra sáng nay quên uống thuốc. Anh ngồi bên mép giường, gom cả liều sáng và tối, ném tất cả vào miệng, tu luôn chai nước khoáng hôm qua chưa uống hết.
Thay đại một chiếc áo hoodie đen trong phòng thay đồ, Văn Dã đi ra khỏi phòng ngủ, đi ngang qua phòng giặt đồ, anh liếc nhìn giỏ đồ bẩn chất đầy, ga giường màu champagne bị vò thành một cục, vứt trong đống quần áo như rác. Văn Dã thu hồi ánh mắt, mặc áo khoác vào rồi đi đến garage, nổ máy xe.
Có lẽ chưa đến giờ tắc đường, Văn Dã suôn sẻ cả quãng đường, tới ngã rẽ cuối cùng, Văn Dã bật đèn xi-nhan, vặn tay lái sang trái, xe lại dừng ở vị trí đã dừng sáng nay.
Còn lâu mới đến giờ Tống Nguyên tan làm, Văn Dã hạ ghế xuống, đội mũ trùm áo hoodie lên, nhắm mắt lại, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Tống Nguyên tốn rất nhiều thời gian thuyết phục Thẩm Phong đang trong kỳ kinh nguyệt về sớm, Thẩm Phong đi giày cao gót 7cm nhíu mày, cố chấp đòi ở lại pha cà phê cho y.
"Cô nghĩ sếp của mình không biết pha cà phê sao?" Tống Nguyên ngồi trên ghế, ngẩng mắt hỏi cô.
Thẩm Phong mím môi, rồi nói không phải.
"Hay là cô nghĩ cô có thể giúp tôi xử lý báo cáo dự án?"
Thẩm Phong không thể phản bác, cuối cùng miễn cưỡng rời khỏi công ty.
Xử lý xong bản báo cáo dự án cuối cùng, Tống Nguyên đóng máy tính lại, xoay ghế đối diện cửa sổ kính lớn. Dãy núi đen uốn lượn xa xa trông thật không hài hòa với phố xá đèn hoa rực rỡ, có lẽ vì ánh đèn quá nhiều, ngay cả ánh trăng cũng không sáng nữa, Tống Nguyên nghĩ vậy, rồi xoay ghế trở lại.
Khi ra khỏi cửa công ty, Tống Nguyên đang cúi đầu trả lời tin nhắn, vì những đề xuất của mấy trưởng dự án quá vô lý, giọng điệu phản hồi của Tống Nguyên trở nên cay độc, dùng những từ như tôi điên hay anh điên, não teo, tôi nghi mình đang mơ. Có lẽ vì đang hăng say, Tống Nguyên gần như đâm thẳng vào lòng người đến.
Tay người kia đặt trên vai Tống Nguyên, nhưng không đẩy y ra.
"Tống tổng phải nhìn đường chứ." Giọng nói mang vẻ hờ hững, Tống Nguyên ngẩng đầu lên, phát hiện Văn Dã đang cụp mắt nhìn y, đồng tử đen láy.
Tóc Văn Dã rối bù, dưới ánh đèn, Tống Nguyên có thể thấy vết hằn nhẹ trên xương mày anh.
"Anh đến đây từ khi nào?" Tống Nguyên lùi lại hai bước, hạ điện thoại xuống.
Văn Dã vừa đi về phía bãi đỗ xe vừa nghiêng đầu, cười hỏi: "Nếu tôi nói tôi luôn ở đây chờ, cậu có cảm thấy cảm động không?"
Tống Nguyên cũng ngẩng mắt nhìn anh, ánh mắt có chút phức tạp.
Văn Dã thu hồi ánh mắt, móc chìa khóa xe ra, cười tít mắt nói: "Đùa thôi, tôi đâu có ngu."
Trước khi Tống Nguyên kịp mở miệng, Văn Dã đã bước nhanh hơn, đi đến trước xe, mở cửa, hơi cúi người, vươn tay, làm động tác mời Tống Nguyên.
Sương mù cuộn trào trong đêm đen, Tống Nguyên đứng trong bãi đỗ xe hơi trống trải, thân hình có vẻ gầy guộc. Tống Nguyên đi tới, nhưng không lên xe, y hơi ngẩng đầu, nhìn Văn Dã.
"Cúi đầu xuống đây." Giọng Tống Nguyên không có chút ngữ điệu.
Văn Dã ngẩn ra, vài giây sau, anh cúi đầu xuống.
Nhiệt độ lạnh giá chạm lên trán, ngón út chạm vào xương mày, bàn tay không rời đi, Văn Dã nghe Tống Nguyên hỏi: "Uống thuốc chưa?"
Văn Dã vẫn giữ tư thế đó, anh cười một tiếng, rồi nói đã uống rồi.
Bàn tay rời khỏi trán, Văn Dã nhìn Tống Nguyên đi vòng từ đuôi xe đến ghế lái, mở cửa rồi ngồi vào. Có lẽ vì Văn Dã cứ đứng ngây ra đó, cửa sổ ghế phụ từ từ hạ xuống, khuôn mặt Tống Nguyên dần hiện ra.
"Tiền truyền nước anh tự trả." Có lẽ cảm thấy sức răn đe chưa đủ, Tống Nguyên hơi nhếch cằm, nói với anh: "Cả chi phí hôm nay, tôi sẽ không thanh toán đâu."
Văn Dã cúi đầu cười, anh không biết bình thường Tống Nguyên quản lý công ty thế nào, rõ ràng đang giận mà vẫn dễ thương đến thế.
Xe chạy về hướng đông, đến cổng bệnh viện trung tâm, Tống Nguyên dừng xe, chưa kịp xuống đã bị bác bảo vệ thu phí gõ cửa kính.
"Cậu nhỏ này, cậu xem đỗ xe kiểu gì, chiếm giữa hai chỗ thế kia."
Nét mặt Tống Nguyên hơi không tự nhiên, Văn Dã ngồi bên cạnh tháo dây an toàn, rồi nói: "Cậu xuống đi, để tôi đỗ."
"Không cần." Tống Nguyên lạnh lùng từ chối, y xuống xe, dùng giọng rất nhẹ hỏi cụ già: "Cho hỏi có thể trả tiền cả hai chỗ được không ạ?"
Cụ già sững người, Tống Nguyên nói tiếp: "Còn nhiều chỗ trống thế, cũng không thiếu một chỗ."
Chủ nghĩa tư bản và logic vô lý đã giành chiến thắng, Tống Nguyên dẫn Văn Dã vào bệnh viện, sau khi đo nhiệt độ thì thuận lợi lấy thuốc, truyền nước. Nhưng Tống Nguyên còn khó chịu hơn cả bệnh nhân, y ngồi trên ghế cứng trong phòng truyền dịch, vẻ mặt không mấy vui vẻ.
"Hay cậu về trước đi."
Tống Nguyên liếc anh một cái, lấy điện thoại ra, xóa tin nhắn chưa soạn xong, thay bằng những từ ngữ cay độc hơn, trút giận lên mấy trưởng dự án.
Nhấn điện thoại một lúc lâu, Tống Nguyên mới đặt xuống, ngón tay vô tình chạm vào mu bàn tay Văn Dã, Tống Nguyên ngẩn ra, đặt ngón tay lên tay Văn Dã.
"Sao lạnh thế?" Tống Nguyên nhíu mày, định gọi y tá thì bị Văn Dã ngăn lại, "Truyền nước đều thế mà."
Tống Nguyên hiển nhiên không hài lòng với lời giải thích của Văn Dã, nhưng y không nói gì, lại cúi đầu xem điện thoại, xem một lúc, tránh kim tiêm, đặt tay lên mu bàn tay lạnh giá của Văn Dã.
Văn Dã liếc nhìn Tống Nguyên, nhưng Tống Nguyên vẫn đắm chìm trong niềm vui đả kích các trưởng dự án, tay trái hơi vụng về bấm bàn phím.
Chai dịch đầu tiên truyền rất nhanh, khi còn một chút, Tống Nguyên định đi gọi y tá thay chai thứ hai, y vừa đứng dậy đã nghe Văn Dã gọi.
Văn Dã nhìn y một lúc, mới nói: "Văn Thuật hôm nay đến nhà."
Ngón tay Tống Nguyên đang buông thõng bên người khẽ run, chớp mắt nhanh hơn.
"Anh ta đến đưa vé triển lãm cho cậu, nói cậu rất muốn đi xem."
Chai truyền dịch trở nên trống rỗng, kim còn cắm trong mạch máu, máu đỏ bắt đầu chảy ngược trong ống.
"Anh ấy thấy anh rồi." Tống Nguyên nói.
"Ừm." Văn Dã gật đầu, cảm giác đau trên mu bàn tay dần rõ ràng, Văn Dã động đậy ngón tay, nhưng Tống Nguyên không thấy.
"Thế sao?" Tống Nguyên cụp mắt nhìn anh, phát âm hơi mơ hồ, "Anh nói với anh ấy thế nào, nói anh tạm ở nhà tôi à?"
Văn Dã chỉ nhìn y, không biết vì sao, anh kéo khóe môi, nói với Tống Nguyên: "Nếu tôi nói thật thì sao?"
Cơn đau trên mu bàn tay khiến Văn Dã khao khát câu trả lời, không chừa đường lui, trở thành thiên tài trong việc tự hành hạ bản thân.
"Nếu tôi nói với Văn Thuật rằng tôi đang sống chung với cậu, đang được cậu bao nuôi."
"Thì cậu định làm sao?"
...
E/N: sắp rồi.
Bạn cần đăng nhập để bình luận